Sunday, January 31, 2021

Những lưu ý quan trọng về bảo hành công trình nhà ở

Những lưu ý quan trọng về bảo hành công trình nhà ở


Bảo hành công trình nhà ở thực chất là một phần nhỏ trong bảo hành công trình xây dựng. Tuy nhiên, nó cũng có những lưu ý quan trọng mà bạn không nên bỏ qua.

Chủ thể có trách nhiệm bảo hành

Theo Khoản 1 Điều 85 Luật Nhà 2014 ở và Khoản 1 Điều 35 nghị định 46/2014/NĐ- CP, quy định chung về việc bảo hành nhà ở như sau:

- Tổ chức, cá nhân thi công xây dựng nhà ở

phải bảo hành nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng; tổ chức, cá nhân cung ứng thiết bị nhà ở phải bảo hành thiết bị theo thời hạn do nhà sản xuất quy định.

- Trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua thì bên bán, bên cho thuê mua nhà ở có trách nhiệm bảo hành nhà ở theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 85 luật Nhà ở. Bên bán, bên cho thuê mua nhà ở có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân thi công xây dựng, cung ứng thiết bị thực hiện trách nhiệm bảo hành theo quy định của pháp luật.

Như vậy theo quy định trên, chủ thể có trách nhiệm bảo hành cho các công trình nhà ở chính là tổ chức, cá nhân thực hiện thi công, đơn vị cung ứng thiết bị cho các công trình này. Trường hợp nhà ở thuộc công trình đầu tư xây dựng để cho thuê, bán thì bên cho thuê nhà, bán nhà chính là chủ thể phải có trách nhiệm bảo hành.

Bảo hành công trình nhà ở thực chất là một phần nhỏ trong bảo hành công trình xây dựng. Ảnh: ST

Điều kiện bảo hành công trình nhà ở

Điều kiện bảo hành công trình nhà ở là công trình cần phải được sửa chữa, khắc phục các khuyết điểm, hư hỏng về kết cấu. Lỗi này thuộc về đơn vị thi công, bên cho thuê, bán khi mà công trình nhà ở vẫn trong thời hạn bảo hành. Việc bảo hành bao gồm:

- Bảo hành kết cấu của nhà ở như: khung, cột, dầm, sàn, mái, tường, trần, sân thượng, cầu thang bộ, hệ thống cấp thoát nước, bể phốt…

- Bảo hành các thiết bị liên quan có gắn với công trình nhà ở.

Thời gian bảo hành công trình nhà ở

Nhà ở được bảo hành kể từ khi hoàn thành việc xây dựng và nghiệm thu đưa vào sử dụng. Thời gian bảo hành cho công trình nhà ở được quy định tại Luật Nhà ở năm 2014, tương ứng với từng loại như sau:

- Đối với nhà chung cư, thời gian bảo hành tối thiểu là 60 tháng.

- Đối với nhà ở riêng lẻ, thời gian bảo hành tối thiểu là 24 tháng.

Theo laodong

Monday, January 25, 2021

CÓ NÊN VAY TIỀN MUA BẤT ĐỘNG SẢN NĂM 2021?

Có nên vay tiên mua bất động sản năm 2021 ?


Tác động của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế được dự báo kéo dài khoảng 2 năm. Chuyên gia khuyến nghị cần tính toán kỹ lưỡng khi dùng đòn bẩy tài chính mua bất động sản.

Với những nhà đầu tư vay vốn để mua bất động sản, dòng tiền để trả ngân hàng đến từ 3 nguồn chính: Tiền tích lũy có sẵn; tiền sinh ra từ lợi nhuận trong sản xuất kinh doanh hoặc thu nhập từ lương; tiền dự phòng trích ra từ chính khoản vay.

Trong giai đoạn kinh tế khó khăn bởi tác động của Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, tiền từ nguồn này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, lượng lao động thất nghiệp tăng lên,... khiến dòng tiền của các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề.

Dòng tiền bất ổn vì Covid-19

Anh C là chủ một cửa hàng điện tử - nguồn kinh doanh mang lại cho anh khoản lợi nhuận đều đặn 150 triệu đồng/tháng - trong vài năm qua. Sau khi trừ chi phí sinh hoạt gia đình, tái đầu tư cho hoạt động kinh doanh và tích lũy một ít phòng thân, hàng tháng anh dùng 50 triệu đồng để trả ngân hàng cho khoản vay 4 tỷ (thời hạn vay 15 năm) đầu tư mua căn nhà ở quận 10 trị giá 6 tỷ vào năm 2018.

Năm nay, vì dịch bệnh khó khăn, thu nhập đều hàng tháng đột ngột sụt giảm chỉ còn 75 triệu đồng/tháng, anh C buộc phải dùng tiền tích lũy và cả vốn lưu động từ hoạt động kinh doanh để bù đắp lại nhưng chỉ gồng gánh được dòng tiền đóng ngân hàng tối đa 12 tháng, sang đến năm 2021 anh bắt đầu đuối.

Trước áp lực quá căng thẳng về dòng tiền, anh C tính đến phương án bán căn nhà ở quận 10 để vừa giảm áp lực đóng tiền hàng tháng cho ngân hàng, vừa dồn vốn để duy trì hoạt động kinh doanh - "nồi cơm" chính của gia đình anh. Thời điểm này, căn nhà của anh theo giá thị trường 7,2 tỷ đồng nhưng khách mua chỉ đồng ý trả 6,7 tỷ. Nếu không gồng gánh nổi dòng tiền trong vài tháng tới, nhiều khả năng anh sẽ không chờ để gặp khách trả giá cao hơn mà chấp nhận thiệt 500 triệu đồng.

Những khó khăn kéo dài của nền kinh tế dưới tác động của Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến kế hoạch tài chính của nhiều nhà đầu tư bất động sản. Ảnh: Quỳnh Danh.

Tương tự, vợ chồng anh Q là nhân viên của 2 doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam với mức thu nhập khá tốt, khoảng 60 triệu đồng/tháng vào năm 2018. Bên cạnh chi phí dành cho sinh hoạt gia đình và tích lũy phòng thân, hàng tháng anh chị dành ra 20 triệu đồng để trả cho khoản vay 1,5 tỷ mua căn hộ chung cư 2,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 bất thình lình ập đến khiến thu nhập của hai vợ chồng giảm chỉ còn 40 triệu đồng/tháng do các chỉ tiêu kinh doanh không đạt, chưa kể các khoản thưởng cuối năm cũng bị cắt. Đến lúc này, dòng tiền trong gia đình của anh chị rất căng thẳng do 20 triệu đồng trả ngân hàng không thay đổi, trong khi các chi phí sinh hoạt khác bắt buộc phải bó buộc xuống đáng kể, đặc biệt là khoản học phí ở trường quốc tế cho con đã hơn 10 triệu một tháng.

Theo hai vợ chồng nhận định, nếu tình hình tài chính căng thẳng kéo dài thêm 6 tháng nữa, họ sẽ không còn đủ khả năng trả tiền cho ngân hàng hàng tháng.

Anh chị đã tính đến phương án bán căn hộ đang ở và mua lại một căn hộ khác nhỏ và xa hơn một chút với giá 1,5 tỷ để giảm áp lực 1 tỷ tiền nợ ngân hàng, tương đương giảm được 15 triệu tiền đóng ngân hàng hàng tháng. Căn hộ 2,5 tỷ anh chị mua ở năm 2018 hiện có giá 2,8 tỷ và có thể bán nhanh ở mức 2,6 tỷ.

Cả hai trường hợp trên đều cho thấy trong giai đoạn kinh tế ổn định, đòn bẩy ngân hàng là công cụ tài chính rất hiệu quả để mua nhà đất. Tuy nhiên, trong giai đoạn kinh tế khó khăn và khả năng sẽ còn kéo dài, các nhà đầu tư cần chuẩn bị sẵn cho mình những phương án dự phòng để đảm bảo ổn định cuộc sống và tập trung duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh chính.

Tính thanh khoản là yếu tố sống còn

Trong thời gian qua, những thông tin về phát triển hạ tầng và việc thành lập thành phố Thủ Đức đã khiến những thị trường trực tiếp hưởng lợi tại TP.HCM và các địa phương lân cận trở nên đặc biệt sôi động. Giá bán nhiều dòng sản phẩm bất động sản tăng 10-30% chỉ trong 3 tháng.

Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi đang giảm ở mức rất thấp (kỳ hạn 1-2 tháng giảm về 3,1%/năm và kỳ hạn 6-12 tháng còn 4-4,5%/năm) cộng với phần lớn hoạt động sản xuất kinh doanh đều khó khăn, nên dòng tiền đang được đẩy mạnh vào bất động sản và các kênh tích lũy, đầu tư khác.

Mặt khác, với việc lãi vay ngân hàng mua nhà đất khoảng 10-12%/năm (không tính 1-3 năm đầu khuyến mãi), thấp hơn lợi nhuận phổ biến khi đầu tư bất động sản 30-50%/năm như giai đoạn vàng son từ 2016 đến đầu 2019, đòn bẩy tài chính ngân hàng được tận dụng tối đa.

Mặc dù vậy, giữa bối cảnh nền kinh tế bị "tổn thương" do dịch Covid-19, các chuyên gia đánh giá nền kinh tế cần khoảng 2 năm để hồi phục. Điều này khiến việc dùng đòn bẩy trong mua bán đất động sản trở nên bất ổn hơn trong giai đoạn này.

Theo ông Lê Quốc Kiên, một nhà đầu tư bất động sản có nhiều kinh nghiệm tại TP.HCM nhận định khi dòng tiền cố định để trả ngân hàng hàng tháng bị sụt giảm, tính thanh khoản của tài sản trong việc thu hồi vốn là vô cùng quan trọng.

Tính thanh khoản được xem là yếu tố quan trọng trong đầu tư bất động sản trong giai đoạn nền kinh tế có nhiều biến động. Ảnh: Chí Hùng.

Ông Lê Quốc Kiên dẫn chứng, với khoản vay 4 tỷ đồng với kỳ hạn vay ngắn khoảng 1 năm thì mỗi tháng nhà đầu tư phải trả lãi ngân hàng khoảng 25 triệu đồng. Trong thời điểm kinh tế ổn định, có thể dùng tiền tích lũy có sẵn, khoản thu nhập khác từ lương, hoạt động kinh doanh để trả khoản lãi này. Ngoài ra nhà đầu tư cũng có thể bán nhanh tài sản chỉ trong vài tháng để trả cả gốc và lãi ngân hàng.

Tuy nhiên trong giai đoạn kinh tế khó khăn, khi đã sử dụng hết số tiền tích lũy có sẵn, người đầu tư bắt đầu bị hụt dòng tiền 25 triệu đồng đóng hàng tháng cho ngân hàng này.

"Nghiêm trọng hơn, đến thời hạn đáo hạn ngân hàng, nếu bất động sản đầu tư vẫn chưa bán được thì không có 4 tỷ trả ngân hàng. Bỏ qua các thủ thuật 'ngoài luồng' để xử lý thì chỉ còn cách giảm giá tài sản để bán nhanh. Nếu phải giảm giá tài sản xuống bằng chính khoản tiền vay thì đành chấp nhận giao lại tài sản cho ngân hàng", ông Kiên phân tích.

Tương tự, với các kỳ hạn vay trung hạn 10 năm và dài hạn trên 15 năm, số tiền phải trả gốc cộng lãi khoảng 40-50 triệu đồng/tháng. Tình hình kinh tế khó khăn làm thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh và lương bị sụt giảm, trong khi tài sản mãi vẫn không thể bán được, dẫn đến việc không có tiền trả ngân hàng hàng tháng, hồ sơ bị xếp vào nhóm nợ xấu, lâu dần sẽ bị ngân hàng xử lý nợ. Hoặc nếu phải bán nhanh để trả nợ ngân hàng thì tài sản cũng đã phải giảm giá rất nhiều.

Xem bài về công ty kiến trúc nhà xinh

Theo Zingnews

Thursday, January 21, 2021

Hạ tầng càng tốt, giá bất động sản càng không có lý do giảm

Hạ tầng càng tốt, giá bất động sản càng không có lý do giảm


Giới chuyên gia đều có chung nhận định, với tốc độ phát triển hạ tầng mạnh tại các đô thị lớn và cả những tỉnh/thành vùng ven, giá trị bất động sản (BĐS) khó có chuyện giảm mà sẽ vẫn gia tăng trong tương lai.

Hàng loạt công trình hạ tầng khởi động tạo sức bật cho BĐS phía Nam

Hàng loạt các công trình hạ tầng khu vực phía Nam được khởi động mạnh mẽ đang được xem là tiền đề tạo sức bật cho thị trường BĐS trong năm 2021 cũng như các năm tới. Đầu tiên là Cảng hàng không quốc tế Long Thành chính thức khởi công giai đoạn 1, đây được xem là yếu tố tạo sự bùng nổ cho thị trường khu vực Đông Nam Bộ nói riêng và khu vực phía Nam nói chung. Đây là dự án hạ tầng với tổng vốn đầu tư lớn nhất từ trước tới nay, khi hoàn thành và đưa vào sử dụng có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP từ 3-5%. Sân bay Long Thành khởi công không chỉ tác động lớn đến thị trường BĐS khu vực Long Thành, Đồng Nai mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tiềm năng của hàng loạt khu vực lân cận như Bà Rịa - Vũng Tàu, Phan Thiết, Long An, Bình Dương và Đồng bằng Sông Cửu Long. Ngoài ra, sân bay Phan Thiết cũng đã được Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh quy mô từ hơn 5.000 tỷ đồng lên hơn 10.000 tỷ đồng, trở thành 1 trong 3 sân bay quy mô nhất miền Trung, chỉ sau sân bay Cam Ranh và Đà Nẵng.


Hạ tầng chính là át chủ bài tạo sức bật cho sự phát triển của thị trường BĐS khu vực phía Nam. Ảnh minh họa

Bên cạnh những dự án sân bay, loạt dự án hạ tầng đường bộ kết nối liên vùng chuẩn bị triển khai như dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài kết nối TP.HCM với tỉnh Tây Ninh, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương kết nối Đồng Nai với Lâm Đồng, cao tốc Biên Hòa - Bà Rịa, cao tốc Phan Thiết - Cam Ranh (Khánh Hòa)… khiến vùng tứ giác kinh tế như Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, hay xa hơn là Bình Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hòa trở thành tâm điểm của thị trường BĐS phía Nam.

Kết nối vùng thông qua hệ thống giao thông cũng mở ra cơ hội cho các thị trường mới. Việc khởi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, đề xuất đầu tư 7 tuyến đường bộ cao tốc Bạc Liêu - Rạch Giá - Hà Tiên, Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cũng mang sức nóng đến cho thị trường các tỉnh miền Tây Nam bộ. Nhiều vùng đất mới đang phát triển khác kết nối hạ tầng như như Bình Phước, Tây Ninh, Ninh Thuận hay Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang đều được giới đầu tư bất động sản tìm đến. Đơn cử như tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), chỉ từ giữa năm 2020 đến nay, địa phương này đã đón nhận gần 20 chủ đầu tư địa ốc, trong đó có các doanh nghiệp lớn như Novaland, Hưng Thịnh… nhằm đón đầu cơ hội từ dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương cùng lợi thế về khí hậu ôn hòa, giá đất còn mềm để phát triển dự án.

Hạ tầng tốt, giá trị BĐS sẽ được nâng lên

Quy hoạch hạ tầng và BĐS là hai yếu tố có quan hệ mật thiết với nhau. Hệ thống hạ tầng giao thông là yếu tố quyết định tới giá trị của các sản phẩm BĐS. Giá BĐS có thể tăng nhờ hạ tầng, ngược lại, cũng có thể đóng băng vì hạ tầng. Đây có thể xem là yếu tố củng cố cho sức nóng của thị trường nhà đất khu vực phía Nam trong năm 2021 khi mà khu vực này đang được nâng cấp đồng bộ thông qua hàng loạt dự án quy mô lớn. Tốc độ đô thị hóa ở các địa phương rất cao, xu hướng phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp tăng mạnh qua các năm nên nhu cầu về nhà ở cũng gia tăng theo.

Hạ tầng hoàn thiện đang tạo động lực cho nhiều doanh nghiệp BĐS đổ về các thị trường mới khai phá tiềm năng nhà đất. Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Think Big nhận định, giá BĐS sẽ khó giảm, nhất là với các địa phương đang có hạ tầng phát triển. “Hạ tầng càng nhanh và tốt thì giá BĐS sẽ càng tăng và không thể giảm. Với tiềm năng tăng trưởng kinh tế, dịch vụ hiện nay của Việt Nam, đối với các nhà đầu tư cá nhân không có kênh nào tốt và bền vững bằng BĐS. Tôi cho rằng nếu chọn thời điểm thì đây chính là giai đoạn vàng để đầu tư BĐS bởi lãi suất ngân hàng hiện nay rất tốt, thị trường bình ổn và phù hợp cho các nhà đầu tư", ông  Hà nhấn mạnh.  

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, P.TTK Hiệp hội BĐS Việt Nam dự báo, thị trường có thể tăng 10% so với năm 2020. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng có thể giữ hoặc giảm kích thích đầu tư mạnh hơn; Chính phủ tiếp tục nỗ lực khắc phục, cởi trói cho doanh nghiệp; Vốn FDI đổ vào mạnh hơn.... Động thái tích cực từ cơ quan chính phủ trong năm 2021 sẽ giúp cởii trói cho thị trường. Quản lý doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ rút ra nhiều bài học từ cuộc khủng hoảng Covid-19 năm 2020 nên sẽ hoạt động hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Quốc Anh, P.TGĐ Batdongsan.com.vn cho biết, mặt bằng giá nhà ở Việt Nam đang thấp hơn nhiều so với khu vực. Tiềm năng đô thị hóa của Việt Nam còn rất lớn, vì đô thị hóa đi liền với phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển các dự án bất động sản. Bất động sản là bài toán đang rất nóng ở Việt Nam và các nước trong khu vực nên xu hướng tăng giá còn tiếp tục. Giá BĐS khu vực có hạ tầng phát triển mạnh như Long Thành, Phan Thiết, Bình Dương, Vũng Tàu liên tục tăng qua các năm. Hiện nay, thị trường phía Nam còn hàng loạt đại dự án lớn đang và sẽ triển khai, liên kết vùng ngày càng hoàn thiện cùng với làn sóng đầu tư ngoại đổ về Việt Nam ngày một nhiều, tiềm năng đầu tư BĐS còn rất lớn.

Nhìn chung, các chuyên gia đều cho rằng, trong giai đoạn lãi suất ngân hàng và cả giá đất đều đang còn thấp thì nhà đầu tư nên tham gia vào thị trường, không nên đợi bất động sản tăng giá mới mua.

Đọc bài về công ty thiết kế nhà xinh

Theo thanhnienviet

Wednesday, January 20, 2021

Rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng xuống 20 ngày

Rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng xuống 20 ngày


Từ 01.01.2021, Luật Xây dựng sửa đổi 2020 với những điều chỉnh liên quan đến quy định cấp giấy phép xây dựng chính thức có hiệu lực.

Giấy phép xây dựng là gì?

Giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo hoặc di dời công trình.

Ngoại trừ những trường hợp được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014 (ví dụ công trình bí mật Nhà nước, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền...), tất cả những công trình còn lại khi thực hiện xây dựng, di dời đều phải xin cấp giấy phép xây dựng.

Luật Xây dựng sửa đổi 2020 có nhiều điểm mới liên quan đến giấy phép xây dựng. Ảnh minh họa: Cường Ngô

Quy định rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng

Luật Xây dựng sửa đổi 2020 chính thức rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng công trình, bao gồm cả giấy phép xây dựng có thời hạn, giấy phép xây dựng điều chỉnh, giấy phép di dời.

Theo đó, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải xem xét hồ sơ để cấp giấy phép trong thời gian 20 ngày đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng công trình. Bao gồm cả giấy phép xây dựng có thời hạn, giấy phép xây dựng điều chỉnh, giấy phép di dời và trong thời gian 15 ngày đối với nhà ở riêng lẻ.

Như vậy, thời gian cấp giấy phép xây dựng được rút ngắn từ 30 ngày xuống còn 20 ngày.

Trường hợp đến thời hạn cấp giấy phép nhưng phải xem xét thêm, cơ quan cấp giấy phép xây dựng phải thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư biết lý do, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý trực tiếp xem xét và chỉ đạo thực hiện. Nhưng không được quá 10 ngày kể từ ngày hết hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 102 Luật Xây dựng 2014.

Luật Xây dựng sửa đổi 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01.01.2021.

Đọc thêm bài về công ty kiến trúc nhà xinh

Theo thanhnienviet

Tuesday, January 19, 2021

Nhu cầu tăng cao, giá nhà TPHCM khó giảm?

Nhu cầu tăng cao, giá nhà TPHCM khó giảm?


Với dân số đông và tăng nhanh, nhu cầu nhà ở tại TPHCM được cho là sẽ tiếp tăng mạnh. Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh(HoREA) đánh giá, thị trường chưa có nguy cơ xảy ra tình trạng “đóng băng”, hoặc “bong bóng” bất động sản.

Theo hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh (HoREA), thị trường bất động sản cả nước và TP. Hồ Chí Minh vốn đã gặp rất nhiều khó khăn kể từ cuối năm 2015, nhất là trong 3 năm gần đây. Đại dịch COVID-19 lại tác động thêm làm các khó khăn trở nên trầm trọng. Ảnh: Phan Anh

Năm 2020, mặc dù phải chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và cuộc chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, nhưng trên cơ sở kiểm soát, ứng phó hiệu quả đại dịch, nước ta đã giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo được an sinh xã hội; tăng trưởng GDP đạt mức cao 2,91%.

Tuy nhiên, Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng, có nhiều yếu tố khiến thị trường bất động sản TPHCM năm 2021 và các năm tiếp theo phục hồi, tăng trưởng. Trong đó, dân số và nhu cầu nhà ở tăng nhanh được cho là sẽ khiến thị trường giữ nhiệt trong thời gian tới.

HoREA chỉ ra, TPHCM có hơn 8,9 triệu dân (theo số liệu của Công an thành phố, thì tổng dân số thành phố khoảng gần 13 triệu người, bao gồm khách vãng lai và người cư trú ngắn hạn), theo kết quả điều tra dân số ngày 1.4.2019.

Trong đó, có hơn 100.000 người nước ngoài làm việc và thường trú tại thành phố, đông nhất là người Hàn Quốc với khoảng 110.000 người, người Nhật Bản khoảng hơn 8.000 người, người Đức khoảng 1.200 người, người Italia khoảng 570 người...

Nhu cầu nhà ở TPHCM còn rất lớn khi dân số cứ 5 năm lại tăng thêm 1 triệu người. Ảnh: Phan Anh

Còn theo kết quả khảo sát của Sở Xây dựng năm 2016, trên địa bàn thành phố có 1.675.810 căn nhà, trong đó: Nhà kiên cố chiếm 37,6%, nhà bán kiên cố chiếm đến 60,1%, nhà thiếu kiên cố chiếm 1,9%, nhà đơn sơ chiếm 0,4%.

Đáng nói, nhà ở có tuổi thọ lớn trên 30 năm chiếm tỉ lệ 29,2%; nhà ở trên 40 năm chiếm tỉ lệ 15,5%, nhà chung cư có 1.440 khối nhà, với 141.062 căn hộ, chiếm 8,4% trong tổng số nhà ở toàn thành phố.

Đáng quan tâm là có 474 nhà chung cư xây dựng trước năm 1975 với 573 khối đã bị xuống cấp, hư hỏng, trong đó, có 15 chung cư trong tình trạng nguy hiểm, mất an toàn cho người sử dụng (cấp D) chiếm 3,2% và 115 chung cư hư hỏng nặng (cấp C) chiếm 24,3%.

Cũng theo kết quả điều tra dân số này, nhà ở (ngày 1.4.2019), toàn thành phố vẫn có đến 188.815 hộ dân sống trong các ngôi nhà có diện tích chật hẹp dưới 6 m2/người.

Nhận định giống như HoREA, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA) cũng cho rằng giá căn hộ tại TPHCM vẫn có chiều hướng tăng trong 6 tháng đầu năm 2021, chủ yếu tại khu vực thành phố Thủ Đức.

VnREA cho rằng, giá nhà đất năm 2021 của các khu đô thị được đầu tư tốt, chất lượng tại TPHCM sẽ tiếp tục tăng khoảng 5 - 10% so với năm 2020.

Đọc thêm bài về công ty thiết kế nhà phố 4 tầng

Theo laodong

Monday, January 18, 2021

Đầu tư đất nền, nhà phố tỉnh vùng ven tăng nhiệt

Đầu tư đất nền, nhà phố tỉnh vùng ven tăng nhiệt


Năm 2020, gần chục nghìn bất động sản liền thổ bùng nổ ở Bình Dương, Đồng Nai, hút giới đầu tư ồ ạt kéo về cụm vùng ven này.

DKRA Việt Nam vừa công bố báo cáo thị trường đất nền và nhà phố vùng phụ cận TP HCM năm 2020 với làn sóng đầu tư đất nền dạt về tỉnh giáp ranh diễn ra mạnh mẽ trong 12 tháng qua.

Năm qua Bình Dương dẫn đầu thị trường đất nền với nguồn cung mới lên đến 5.627 sản phẩm còn Đồng Nai dẫn đầu nguồn cung mới nhà phố, biệt thự với 2.749 căn. Đây đều là mức kỷ lục tại hai địa bàn này đồng thời hút hàng nghìn nhà đầu tư dạt về vùng ven tậu nhà đất.

Bên cạnh nguồn cung đất nền và nhà liền thổ ở hai tỉnh vùng ven này tăng lên, sức tiêu thụ tốt tại hai địa bàn này cũng chiếm mất ánh hào quang của thị trường TP HCM trong năm 2020. Các địa phương này nhiều khả năng sẽ tiếp tục hút đầu tư bất động sản liền thổ trong 12 tháng tới. Lượng khách hàng đổ về vùng ven tậu đất nền và nhà phố chủ yếu là nhà đầu tư đến từ Sài Gòn.

Phối cảnh một dự án tại Đồng Nai của doanh nghiệp bất động sản Sài Gòn.

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu DKRA Việt Nam đánh giá các tỉnh giáp ranh Sài Gòn như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu thu hút đầu tư đất nền và nhà liền thổ suốt năm 2020 là phản ứng bình thường trong bối cảnh TP HCM khan hiếm nguồn cung, không có nhiều dư địa để đầu tư. Sự thay đổi khẩu vị dạt về vùng ven của các nhà đầu tư có thể sẽ tiếp tục diễn ra khi sân bay Long Thành và nhiều tuyến đường cao tốc gia tăng kết nối vùng với TP HCM được công bố rầm rộ.

DKRA dự báo nguồn cung đất nền và nhà phố tại các tỉnh giáp ranh, lân cận TP HCM vẫn tiếp tục phát triển trong năm 2021 do quỹ đất dành cho nhóm bất động sản liền thổ tại Sài Gòn đang ngày càng hạn chế. Các tỉnh giáp ranh này sẽ được xếp chung vào thị trường địa ốc khu vực vùng phụ cận TP HCM chứ không tách rời từng tỉnh riêng lẻ do sự kết nối về hạ tầng và dịch vụ liên vùng ngày càng phát triển.

Nguyên nhân bất động sản vùng ven bứt phá nhanh hơn TP HCM trong năm 2020 là thủ tục pháp lý phát triển các dự án nhà ở tại Sài Gòn kéo dài nhiều năm liền khiến nguồn cung tắc nghẽn cục bộ, đẩy các doanh nghiệp tại TP HCM phải di cư về các tỉnh thành khác dễ phát triển dự án hơn. Nếu tình trạng này kéo dài, TP HCM có thể bị giảm sức hút đầu tư và bị các tỉnh vệ tinh chiếm thị phần.

Theo các chuyên gia bất động sản, xu thế đầu tư dạt về vùng ven còn gọi là đầu tư ly tâm, đang mạnh dần khi rổ hàng dự án tại TP HCM ngày càng sụt giảm, không còn phong phú hàng hóa như trước. Thay vì đầu tư hướng tâm (đổ dồn về trung tâm), làn sóng đầu tư ly tâm, dạt biên sẽ chiếm thế chủ đạo trong nhiều năm tới và không chỉ dừng lại ở đất nền, nhà phố mà còn mở rộng sang nhóm sản phẩm chung cư và bất động sản thương mại.

Theo vnexpress

Thursday, January 14, 2021

Kinh nghiệm thanh toán tiền mua bán nhà đất tránh rủi ro

Kinh nghiệm thanh toán tiền mua bán nhà đất tránh rủi ro


Để hạn chế rủi ro khi ký hợp đồng mua bán nhà đất, người mua nên nắm rõ kinh nghiệm thanh toán tiền.

Mua bán nhà đất là cách gọi phổ biến dùng để chỉ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Ảnh: ST
Nên đặt cọc bao nhiêu?

Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

Trường hợp hợp đồng được thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ đi để thực hiện nghĩa vụ trả tiền. Nếu bên đặt cọc từ chối việc thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc. Nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trên thực tế, đặt cọc là hợp đồng dân sự nên pháp luật không quy định về mức tiền đặt cọc, mức này đều do các bên thỏa thuận. Nếu muốn nhận chuyển nhượng, bạn hãy đặt cọc nhiều. Vì đặt cọc nhiều sẽ tăng tính bảo đảm. Nói cách khác, đặt cọc nhiều mà bên nhận đặt cọc từ chối chuyển nhượng thì sẽ bị phạt cọc nhiều.

Quy trình chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Trên thực tế, để chuyển nhượng nhà đất theo đúng quy định của pháp luật phải thực hiện theo 3 bước sau:

Bước 1: Công chứng hoặc chứng thực hợp đồng.

Bước 2: Kê khai nghĩa vụ tài chính (thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ).

Lưu ý: Dù được miễn thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ nhưng vẫn phải khai để Nhà nước quản lý.

Bước 3: Đăng ký biến động tại cơ quan đăng ký đất đai.

Đăng ký vào sổ địa chính, chuyển nhượng mới có hiệu lực

Theo đó, việc chuyển nhượng chỉ có hiệu lực khi đăng ký vào sổ địa chính. Nói cách khác, việc chuyển nhượng chỉ kết thúc khi có Giấy chứng nhận mới đứng tên mình hoặc có Giấy chứng nhận của chủ cũ nhưng tại trang 3, 4 có ghi thông tin chuyển nhượng.

Để bảo đảm an toàn khi trả tiền có thể chia thành nhiều đợt khác nhau nhưng tối thiểu cần 2 đợt như sau:

Đợt 1: Thanh toán khi công chứng hoặc chứng thực hợp đồng.

Đợt 2: Thanh toán sau khi đăng ký vào sổ địa chính hoặc nộp hồ sơ đăng ký biến động. Nhưng để bảo đảm an toàn nhất cho bên nhận chuyển nhượng thì nên thanh toán sau khi sang tên xong.

Xem thêm về công ty nhà xinh https://nhaxinhsaigon.com.vn/gioi-thieu

Theo laodong

Wednesday, January 6, 2021

6 xung lực mới cho thị trường bất động sản

6 xung lực mới cho thị trường bất động sản


Pháp lý ngày càng hoàn thiện, giải ngân đầu tư công nhanh, lãi suất thấp, chuyển đổi số... là những xung lực rất mới cho thị trường bất động sản năm 2021 cũng như trong nhiều năm tới.

Tại tọa đàm "Toàn cảnh bất động sản 2021: Nhận diện xung lực mới" diễn ra tại Vĩnh Phúc sáng 5/1 vừa qua, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã chỉ ra 6 xung lực mới cho thị trường bất động sản năm 2021 và trong tương lai.

Thị trường bất động sản năm 2021 được dự báo có nhiều điểm sáng. Ảnh minh họa

1. Thị trường bất động sản đã điều chỉnh rất nhanh nhạy theo tình hình đại dịch Covid-19, đưa công nghệ vào bán hàng. Dự báo tăng trưởng kinh tế vĩ mô năm 2021 khoảng từ 6,5-7%. Tăng trưởng kinh tế bình quân của Việt Nam trong một thập kỷ tới dự báo đạt 7%, thu nhập bình quân đầu người cũng tăng 6,5%... Theo TS. Cấn Văn Lực, đây là một trong những xung lực rất lớn cho thị trường địa ốc.

2. Xung lực về pháp lý: Hiện tại, các văn bản pháp luật liên quan tới doanh nghiệp, đất đai, xây dựng... được bổ sung, sửa đổi với nhiều điểm tinh giản đáng kể. Đặc biệt, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán cho phép huy động vốn thông qua việc thành lập quỹ - động lực cho các doanh nghiệp bất động sản.

3. Xung lực về việc dịch chuyển chuỗi cung ứng, sản xuất đầu tư nước ngoài: Đối với giới đầu tư ngoại, Việt Nam là thị trường mới hấp dẫn và an toàn hơn trong bối cảnh hiện nay. Ông Lực cho biết, trong số 30 doanh nghiệp Nhật Bản thông báo chuyển nhà máy ra khỏi nước Nhật, có tới 15 doanh nghiệp chọn Việt Nam.

4. Xung lực về giải ngân vốn đầu tư công: Theo ông Lực, khi kinh tế suy thoái thì đầu tư công là kênh đầu tư rất tốt, tạo ra hệ số lan tỏa cực kỳ lớn. Việc giải ngân vốn đầu tư công nhanh trong năm 2020 đã đóng góp cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế, khoảng 6,5%, tương ứng 0,2 %.

5. Xung lực từ chuyển đổi số: Đối với các doanh nghiệp địa ốc, ngoài việc đầu tư chuyển đổi số để marketing, bán hàng, việc áp dụng công nghệ số cũng là một kênh đầu tư tốt, giúp huy động vốn nhanh.

6. Xung lực từ lãi suất: Lãi suất cho vay hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua, từ 8-10% tùy thời hạn. Đây là thời điểm thuận lợi để các hộ gia đình, cá nhân mua nhà hoặc đầu tư, tính cả trường hợp đi vay ngân hàng.

Bên cạnh đó, TS. Cấn Văn Lực cho biết có 4 rủi ro, thách thức mà thị trường bất động sản năm 2021 phải đối mặt.

Thứ nhất, rủi ro về pháp lý, hiện vẫn còn nhiều vướng mắc nhưng các doanh nghiệp địa ốc Việt có tính linh hoạt cao, dễ thích ứng hơn và cũng đã khá quen với rủi ro này.

Thứ hai, rủi ro khi dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn trên phạm vi toàn thế giới.

Thứ ba, rủi ro về đòn bẩy tài chính, tuy nhiên các doanh nghiệp kiểm soát đòn bẩy tài chính khá tốt.

Thứ 4, rủi ro vay nợ khi quy mô nợ gấp 3,5 lần quy mô GDP của nền kinh tế toàn cầu. Nếu lãi suất tăng thì rủi ro này càng lớn.

Ông Lực nhận định, cơ hội kinh doanh năm 2021 rất nhiều nhưng doanh nghiệp bất động sản phải thay đổi phương thức, mô hình kinh doanh, áp dụng chuyển đổi số, nắm bắt cơ hội nhưng vẫn cần thận trọng vì thị trường đang bước sang một trang mới.

Đọc thêm bài về công ty thiết kế kiến trúc xây dựng nhà xinh

Theo thanhnienviet

Sunday, January 3, 2021

Ông bố đơn thân liều mua nhà Hà Nội khi trong tay có chưa đầy 200 triệu

Ông bố đơn thân liều mua nhà Hà Nội khi trong tay có chưa đầy 200 triệu


Một mình nuôi con nhỏ sau ly hôn, ông bố trẻ ở Hà Nội quá chán cảnh thuê trọ chật chội, bấp bênh nên quyết tâm xoay tiền mua căn hộ trả góp để có chỗ ở ổn định, an toàn cho con.

Dưới đây là câu chuyện của anh Lê Thanh Định (33 tuổi, Hà Nội) – ông bố đơn thân mới “tậu” được căn hộ để sống cùng cậu con trai nhỏ, thoát “kiếp” ở trọ suốt nhiều năm. 

Tôi quê ở Lai Châu, xuống Hà Nội học đại học rồi ở lại tìm việc, bám trụ đất thủ đô đã hơn chục năm. Ra trường được vài năm, tôi kết hôn với bạn gái cùng quê, vợ chồng có bé trai năm 2014. Gia cảnh hai bên đều bình thường, không dư dả. Tôi là dân IT, thu nhập từ công việc chính không quá cao, chỉ hơn chục triệu, phải nhận việc làm kiếm thêm ngoài giờ. Vợ kinh doanh tự do, khá năng động, chăm chỉ nên kinh tế gia đình khi đó cũng tạm ổn. Nhưng do kết hôn khi còn khá trẻ, thiếu kinh nghiệm sống, hay bất đồng lại không biết cách giải quyết nên chúng tôi thường xuyên cãi vã.

Khi con được hơn 2 tuổi, chúng tôi ly hôn. Ban đầu, cháu ở với mẹ trong nhà trọ cũ, tôi tìm chỗ khác chuyển đi, hàng tháng gửi tiền nuôi con. Được nửa năm thì gia đình bên vợ gặp biến cố lớn, cô ấy gửi con cho tôi để theo bạn sang Đài Loan làm, kiếm tiền gửi về giúp bố mẹ. Tôi đón con trai về, bắt đầu cuộc sống “gà trống nuôi con” với những lần đổi chỗ trọ liên tiếp mà mãi chẳng ưng ý.

Ban đầu, bố con tôi ở khu trọ sinh viên đông đúc, lúc nào cũng ồn ào. Ảnh minh họa.

Thời gian đầu, tôi phải nhờ mẹ từ quê xuống hỗ trợ tôi trông con trong khi tìm trường mới và ổn định tâm lý cho bé. Ba người chen chúc trong phòng trọ chỉ có 1 giường, tôi phải trải đệm ngủ dưới đất, nhường giường cho 2 bà cháu. Về sau, mẹ tôi về quê, chỉ còn lại 2 bố con với nhau. Khu tôi trọ là khu giá rẻ, đông sinh viên, người lao động tứ xứ nên lúc nào cũng ồn ào, vệ sinh kém, không phải môi trường tốt cho con. Tôi liền tìm thuê ngôi nhà có 4 phòng ngủ, giá 5,5 triệu trong ngõ ở Cầu Giấy. Tôi ở 1 phòng, còn 3 phòng cho thuê lại với giá 1,5-1,8 triệu tùy diện tích. Khoản tiền từ các phòng cho thuê lại đã gần đủ tiền thuê cả nhà nên bố con tôi gần như ở trọ không mất tiền. Tiếc là chỉ ở được hơn 1 năm, chủ muốn bán nhà nên lấy lại, không cho thuê nữa. 

Tôi tìm được căn chung cư mini cách chỗ cũ không xa nên chuyển luôn. Tuy nhiên, vì tìm gấp nên đến ở rồi tôi mới phát hiện ra nhiều bất cập. Căn chung cư mini rộng 35m2, giá thuê 3,6 triệu. Giá điện, nước sinh hoạt rất đắt, lại hay trục trặc, mất điện, mất nước. Chủ nhà là một bác gái thường xuyên soi mói người thuê, đề ra nhiều quy định “trời ơi đất hỡi” để tận thu. Quá chán nản với kiếp ở trọ bấp bênh nay đây mai đó, tôi nhen nhóm ý định mua nhà dù toàn bộ tiền tiết kiệm khi đó chỉ có 150 triệu.

Sau vài tháng nghe ngóng, tôi mới thấm tìm mua nhà cũng chẳng dễ dàng, nhất là khi tài chính hạn hẹp. Mãi đến đầu năm 2019, chị họ giới thiệu cho căn hộ 62m2, 2 phòng ngủ, 1 phòng tắm, giá 1 tỷ ở Hà Đông, do bạn chị mua định để ở nhưng lại ưng chỗ khác nên muốn bán. Dự án sắp bàn giao, nếu mua ngay thì tôi chỉ cần chờ vài tháng nữa là có nhà ở. Lúc này, tôi mới có gần 200 triệu, bắt đầu chiến dịch xoay tiền mua nhà đầy liều lĩnh.  Xem mẫu thiết kế nhà phố đẹp

Ngày nhận bàn giao căn hộ, tôi gần như cháy túi nên chẳng sắm sửa được gì nhiều. Ảnh minh họa.

May mắn cho tôi, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp biết chuyện đều nhiệt tình giúp đỡ. Bố mẹ gửi cho tôi 100 triệu, anh trai và em gái mỗi người cho 50 triệu. Nhóm 4 người bạn thân góp lại cho vay 150 triệu. Bất ngờ nhất là anh đồng nghiệp không quá thân thiết ở cơ quan biết tôi cần gấp cũng cho vay 50 triệu không lãi. Thế là tôi đã có 600 triệu đi mua nhà. Còn lại, tôi thế chấp chính căn hộ, vay 400 triệu trong 10 năm. Hàng tháng, tôi phải trả hơn 6 triệu, vừa sức với thu nhập trung bình 23 triệu của tôi. Mua nhà xong, ngoài một khoản đề phòng lúc đau ốm, tôi gần như cháy túi. Ngày chuyển về nhà mới, bố con tôi chỉ mang theo quần áo và một số đồ dùng cũ, giường cũng không có mà trải nệm ngủ dưới sàn. Sau khi tích cóp lương, thưởng để trả bớt nợ người quen, tôi mới dám sắm sửa dần.

Đến nay, bố con tôi đã ở nhà mới được hơn 1 năm. Con trai giờ đã vào lớp 1, đi học ở trường công gần nhà, có nhiều bạn bè trong khu chung cư. Tôi không phải lo lắng chuyển trọ, chuyển trường cho con, chỉ tập trung làm việc để có tiền trả nợ, cải thiện cuộc sống của hai bố con. Nghĩ đến “núi” nợ trên đầu, tôi không còn cách nào khác là phải nỗ lực hơn nữa. Con trai là động lực lớn để tôi vượt qua mọi khó khăn, áp lực cho đến hiện tại. Ngẫm lại hành trình mua nhà liều lĩnh của mình, tôi cảm thấy quá may mắn vì xung quanh có nhiều người tốt, sẵn sàng giúp đỡ. Nếu không có họ, chắc chắn tôi sẽ phải đợi lâu hơn, chuẩn bị phương án tài chính tốt hơn mới dám mơ đến chuyện mua nhà. 

Đọc bài về công ty thiết kế biệt thự đẹp nhà xinh sài gòn

Theo thanhnienviet