Tuesday, July 7, 2020

Giá thuê bất động sản công nghiệp leo thang

Giá thuê bất động sản công nghiệp leo thang


Đất khu công nghiệp tại TP HCM gần 183 USD (khoảng 4,25 triệu đồng) mỗi m2 trên chu kỳ thuê trong khi Long An, Đồng Nai cũng tăng cao.

Theo báo cáo bất động sản công nghiệp các tỉnh phía Nam của Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam, trong quý II/2020, giá thuê đất khu công nghiệp tại TP HCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu đều trên đà tăng cao.

TP HCM dẫn đầu với giá thuê đất khu công nghiệp đạt 182,8 USD (tương đương 4,25 triệu đồng) mỗi m2 trên chu kỳ thuê. Theo sau là Bình Dương, Đồng Nai, Long An lần lượt ghi nhận cột giá 88 USD, 98 USD và 133 USD mỗi m2 trên chu kỳ thuê (lần lượt ứng với 2,04 triệu, 2,28 triệu và 3,1 triệu đồng). Trong khi đó, giá đất và nhà xưởng tại Bà Rịa - Vũng Tàu cũng bám sát các thủ phủ khu công nghiệp lân cận, lên mốc 80 USD (khoảng 1,74 triệu đồng) mỗi m2 trên chu kỳ thuê.

Nếu xét toàn cụm các tỉnh phía Nam, trong quý II/2020, giá thuê đất công nghiệp đạt mức trung bình 106 USD mỗi m2 trên chu kỳ thuê, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Giá thuê nhà xưởng xây sẵn ổn định hơn đất, duy trì ở mức 3,5-5 USD mỗi m2 một tháng, do hợp đồng chỉ ngắn hạn 3-5 năm và khách thuê cũng dễ bị tác động của đại dịch.

Diễn biến thị trường cho thấy, dù Covid-19 gây ra những khó khăn tạm thời cho các kế hoạch sắp tới của doanh nghiệp, bất động sản công nghiệp ở Việt Nam vẫn thu hút khách thuê.

Khu công nghiệp Long Hậu. Ảnh: Long Hậu.

Tổng diện tích đất cho thuê của miền Nam đạt 25.045 ha vào quý II/2020. Một vài quỹ đất cho thuê còn lại ở một số khu công nghiệp hiện hữu tại TP HCM vẫn bị đình trệ do khó khăn trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và gần đây là tác động của Covid-19, khiến nguồn cung này không kịp đưa ra thị trường. Việc khan hiếm nguồn cung càng trở nên rõ rệt hơn khi các khu công nghiệp hiện hữu đang dần được lấp đầy nhanh chóng và quỹ đất mới bị trì hoãn.

Trong nửa đầu năm 2020, thị trường tài sản công nghiệp nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ cả nhà đầu tư và nhà sản xuất. Đến cuối tháng 6, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên mở cửa hoàn toàn nền kinh tế trong nước, cho thấy đây là điểm đến an toàn và tiềm năng cho việc di dời sản xuất.

Do đại dịch vẫn diễn ra trong khu vực và toàn cầu, các giao dịch thành công chủ yếu là từ các nhà đầu tư trong nước hoặc đã được thực hiện trước khi dịch công bố và bùng phát. Tỷ lệ lấp đầy trung bình toàn cụm công nghiệp phía Nam đạt 84% tính đến cuối quý II.

JLL đánh giá, khi đại dịch vẫn còn là mối đe dọa, việc đàm phán cho thuê và các yêu cầu mới sẽ tiếp tục đình trệ cho đến hết năm 2020. Thị trường dự kiến sẽ nhanh chóng hồi phục ngay sau khi tình hình được kiểm soát. Với thành công của công tác phòng chống Covid-19, nền tảng phát triển công nghiệp mạnh cùng với xu hướng tìm nguồn cung ứng đa dạng đang diễn ra hứa hẹn sẽ giúp đưa Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tốt hơn so với các nước khác.

Friday, July 3, 2020

Thị trường đất nền Tp.HCM diễn biến ra sao thời hậu Covid-19?

Thị trường đất nền Tp.HCM diễn biến ra sao thời hậu Covid-19?


Những dự án đất nền giới thiệu ra thị trường Tp.HCM ở thời điểm này được xem là “hàng hiếm” trước bối cảnh phân khúc này dự báo sẽ tiếp tục khan hiếm nguồn cung.


Sau thời điểm dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, người mua đã rục rịch quay trở lại thị trường. Tuy nhiên, tâm lý giữ tiền vẫn còn ở một số khách hàng thận trọng. Doanh nghiệp địa ốc cũng bắt nhịp với thị trường khi có động thái bung hàng, giới thiệu sản phẩm ở các phân khúc.

Tuy vậy, nhìn tổng quan trên thị trường BĐS Tp.HCM nguồn cung từ căn hộ, nhà phố đến đất nền còn khá khan hiếm ở thời điểm này. Đặc biệt, ở loại hình đất nền vốn một thời gian là phân khúc chủ đạo của khu ven Tp.HCM như Q.9, Q.Thủ Đức, Q.Bình Tân….thì hiện nguồn cung cũng chỉ "đếm trên đầu ngón tay".

Đất nền Tp.HCM dự báo tiếp tục khan hiếm nguồn cung trong thời gian tới. Ảnh: Hạ Vy

Tìm hiểu được biết, sau thời điểm dịch, khách hàng mua đất nền không có nhiều lựa chọn do khan hiếm nguồn cung. Theo đó, các dự án ven trung tâm, có kết nối hạ tầng tốt được người mua ở thực quan tâm. Trong khi NĐT lại hướng đến các nền có diện tích nhỏ, mua vào chờ thời điểm bán ra cho người mua ở thực sau này. Giá nhà đất ở một số quận như Q.Thủ Đức, Q.9, Q.8…cũng đã tăng đang kể. Thị trường không ghi nhận nhiều nguồn cung mới. 

Đặc biệt tại Quận 9 khoảng hơn một năm trở lại đây dường như không có dự án mới nào được mở bán. Đa phần nguồn cung đất nền được giao dịch trên thị trường thứ cấp với mức giá khá cao so với giá gốc chào bán. 

Có một đặc điểm của phân khúc đất nền tại Tp.HCM khác so với các khu vực tỉnh là đa số các sản phẩm bán ra ở thời điểm này đều có quy mô không lớn, do việc quỹ đất hạn hẹp; phần lớn nằm trong các khu dân cư đã hiện hữu nên lượng khách mua ở thực tìm hiểu, quan tâm khá lớn vì gần các tiện ích đã có sẵn xung quanh khu vực.

Dự án đất nền hiện đang có trên thị trường chỉ đếm trên đầu ngón tay như ở khu Đông có KDC Centerhome Riverside (4,8 tỉ/nền) tại Trường Thọ, Thủ Đức; khu Tây có KDC Sài Gòn West Garden. Bên cạnh đó, các khu đất phân lô lẻ tại huyện Bình Chánh, Q.8, Q.6 cũng được môi giới chào ra thị trường ở thời điểm này nhưng với số lượng ít ỏi. Đa số là các sản phẩm đã chào bán từ thời điểm trước Tết.

Trong khi đất nền Tp.HCM khan hiếm nguồn cung thì đất nền tỉnh lại dồi dào nguồn cung hơn. Theo các chuyên gia, sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến giới đầu tư cân nhắc nhiều hơn trước khi xuống tiền ở phân khúc đất nền. Tuy nhiên, với các dự án hạ tầng đồng bộ, gần các tiện ích hiện hữu, có giá bán ra hợp lý thì nhu cầu mua đất nền của người dân Tp.HCM còn rất lớn. Các dự án đáp ứng được các điều kiện này ghi nhận thanh khoản khá tốt.

Sau dịch, khách mua ở thực đã quay trở lại với phân khúc đất nền, mặc dù sự lựa chọn của họ không còn dồi dào như thời điểm trước do tình hình khan cung. Trong ảnh, khách hàng đang giữ chỗ 1 dự án đất nền tại Tp.HCM Ảnh: Hạ Vy

Theo báo cáo của DKRA Vietnam, trong giai đoạn tới, đất nền vẫn sẽ tiếp tục khan hiếm và không có nhiều dự án mới mở bán. Trước tác động của dịch Covid-19 lên các hoạt động kinh tế và đời sống, sức cầu chung của thị trường tiếp tục suy giảm nhưng chỉ trong giai đoạn ngắn hạn. Phân khúc đáp ứng nhu cầu ở thực của người dân vẫn sẽ là xu hướng của thị trường trong thời gian tới. Theo đơn vị nghiên cứu này, trong 3 tháng đầu năm, thị trường Tp.HCM ghi nhận có 335 nền được bán ra thị trường, sức tiêu thụ ở mức tương đối tốt, đạt khoảng 75%.

Ngược lại, tại thị trường các tỉnh giáp ranh Tp.HCM đón nhận nguồn cung khá dồi dào so với cuối năm 2019, riêng trong tháng 1 và tháng 2 có khoảng 1.742 nền. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ khá thấp, khi tỷ lệ hấp thụ tại các thị trường vùng ven như Bình Dương, Long An, Đồng Nai lần lượt là 45,5%, 11,3% và 55,6%.

Theo dự báo, sau khi dịch được kiểm soát hoàn toàn không chỉ phân khúc đất nền mà hầu hết các phân khúc khác trên thị trường BĐS sẽ trở lại mạnh mẽ hơn. Bởi nhu cầu thực tế của thị trường còn đang khá lớn. Trong đó, người mua có xu hướng tìm các dự án pháp lý rõ ràng, gần các tiện ích cộng đồng đã hiện hữu.

Đọc thêm về biet thu co dien dep công ty nhà xinh

Theo Trí thức trẻ

Monday, June 29, 2020

Nhà 20 triệu đồng mỗi m2 khó làm vì thiếu quỹ đất rẻ

Nhà 20 triệu đồng mỗi m2 khó làm vì thiếu quỹ đất rẻ


Theo các chuyên gia, rào cản của loại nhà thương mại giá thấp tại đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội là khó tìm được quỹ đất giá “mềm”.

Trong một báo cáo mới đây, Savills Việt Nam cho rằng trở ngại lớn nhất của mô hình nhà ở thương mại giá thấp 20 triệu đồng mỗi m2 là việc tìm ra quỹ đất giá rẻ tại các đô thị lớn.

Tiến Sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills nhận định, mô hình nhà thương mại giá thấp do Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ là quan điểm tích cực để bổ sung các chính sách phát triển nhà ở giá rẻ. Đây là bước tiến lớn trong nỗ lực hỗ trợ người có thu nhập còn hạn chế và yếu thế trong xã hội khi phân khúc nhà ở này luôn là nhóm sản phẩm thu hút quan tâm lớn vì nhu cầu rất cao nhưng khan hiếm dần nguồn cung.

Tuy nhiên, ông Khương cho rằng vẫn còn có một số nút thắt cần giải quyết nhằm thúc đẩy chính sách nhà ở 20 triệu đồng mỗi m2 này. Thách thức đầu tiên là vấn đề về quỹ đất. Hiện quỹ đất dành cho nhà ở thương mại giá rẻ trong nội đô TP HCM và Hà Nội đang là bài toán cực kỳ khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản hiện nay.

Song song với bài toán khó về quỹ đất là biên lợi nhuận của các doanh nghiệp phát triển nhà giá rẻ hiện nay rất "mỏng". Điều này giải thích cho việc vừa qua rổ hàng của phân khúc này không nhiều, khiến các nhà đầu tư không có mặn mà.

Quần thể nhà 100 triệu đồng tại Bình Dương. Ảnh: Quỳnh Trần

Ngoài ra, những tồn tại trong vấn đề pháp lý, phê duyệt chính sách từ lúc chấp thuận chủ trương, nghị quyết của Bộ Xây dựng, tới việc thống nhất của các ban ngành liên quan, cho đến khi ra được giấy phép xây dựng và quyết định khởi công của dự án còn nặng về thủ tục, mất quá nhiều thời gian.

Theo ông Khương, nếu những rào cản trước mắt này được giải quyết một cách nhanh chóng, đồng bộ thì chính sách khuyến khích phát triển nhà 20 triệu đồng mỗi m2 này mới đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy các nhà phát triển bất động sản tham gia làm nhà giá rẻ trong tương lai.

Đồng quan điểm với ông Khương, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa, Trần Khánh Quang nhận định thách thức lớn nhất đối với mô hình nhà ở thương mại giá thấp 20 triệu đồng mỗi m2 là chưa có đáp án cho quỹ đất rẻ, quy mô lớn sau những đợt sốt đất liên hoàn 2016-2018. Sau những cơn sốt đầy biến động này, bất động sản liên tục thiết lập mặt bằng giá mới và khó giải phóng mặt bằng hơn.

Ông Quang khuyến nghị, để giải quyết ách tắc từ khâu đầu tiên là chuẩn bị quỹ đất giá rẻ, các doanh nghiệp cần chính quyền hỗ trợ như quy hoạch lại một số khu vùng ven thành khu chung cư 5-10 ha ở Thủ Đức, quận 9, Bình Chánh, Hóc Môn, Bình Tân, Nhà Bè và hỗ trợ hạ tầng đến tận đất.

CEO Việt An Hòa đưa ra giải pháp trước mắt là doanh nghiệp cần chọn vị trí vùng ven TP HCM, nơi có giá đất nông nghiệp khoảng 10 triệu đồng mỗi m2 để chuẩn bị quỹ đất cho dự án nhà ở thương mại giá thấp.

Để có giá bán mỗi m2 là 20 triệu đồng, quỹ đất cần có giá thành thấp hơn 10-20% mặt bằng chung, được hỗ trợ về chính sách pháp lý, biên lợi nhuận nên 10% thay vì 15%; đồng thời, quy mô xây dựng 16 tầng để chi phí thấp hơn 10% so với các công trình cao tầng.

Đọc thêm về công ty thiết kế kiến trúc nhaxinhcenter

Theo vnexpress

Sunday, June 28, 2020

Đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây lên quy mô 10 - 12 làn xe

Đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây lên quy mô 10 - 12 làn xe


UBND TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT sớm triển khai mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn qua địa phận thành phố.

Tuyến cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây dài 55 km, được đưa vào khai thác từ tháng 2/2015, hiện đã có dấu hiệu mãn tải.

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM vừa ký công văn trả lời Bộ GTVT liên quan đến điều chỉnh quy hoạch và phương án đầu tư mở rộng tuyến cao tốc Tp. HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Theo đó, lãnh đạo UBND Tp.HCM cho rằng việc nghiên cứu đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường cao tốc Tp.HCM  - Long Thành - Dầu Giây là rất cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu lưu thông, kết nối vùng Tp.HCM, đồng bộ với kế hoạch đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Về quy mô mặt cắt ngang mở rộng tuyến đường cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây, UBND Tp.HCM lưu ý các thông số mặt cắt ngang cần được nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tình hình giao thông khu vực; căn cứ nhu cầu giao thông; xem xét việc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt nhẹ Long Thành - Thủ Thiêm; các yếu tố kỹ thuật, hành lang an toàn tuyến đường cao tốc;… đảm bảo phù hợp với lộ giới quy hoạch đã được phê duyệt.

Lãnh đạo UBND Tp.HCM đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu bổ sung nút giao thông kết nối cao tốc với đường Long Phước, quận 9 để tạo động lực phát triển kinh tế xã hội Quận 9 và Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông Tp.HCM; đồng thời phát huy hiệu quả Dự án mở rộng đường cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Vào tháng 4/2020, trên cơ sở đề xuất của UBND  tỉnh Đồng Nai về việc đầu tư mở rộng tuyến cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây từ 10 đến 12 làn xe, Văn phòng Chính phủ đã đề nghị Bộ GTVT làm việc với UBND Tp.HCM về các quy hoạch liên quan, trên cơ sở đó chỉ đạo nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch tuyến cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây, bảo đảm tầm nhìn phát triển dài hạn, đáp ứng yêu cầu giao thông khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào khai thác và sớm có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư mở rộng tuyến đường này.Được biết, Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng Cửu Long (CIMP Cửu Long) cũng vừa trình Bộ GTVT phương án đầu tư mở rộng tuyến đường cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây.

Theo đó, CIMP Cửu Long đề xuất mở rộng đoạn cao tốc từ Km0 thuộc địa phận phường An Phú, quận 2 , Tp.HCM tới Km24+558 thuộc thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai từ quy mô đường 4 làn xe hiện hữu lên 8 làn xe, bề rộng nền đường từ 36 m đến 42 m. Tổng mức đầu tư Dự án ước khoảng 9.853 tỷ đồng, trong đó chi phí GPMB khoảng 900 tỷ đồng, chi phí xây dựng 7.005 tỷ đồng.. được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước. Sau khi hoàn thành, Dự án có thể tiến hành nhượng quyền thu phí để hoàn vốn đầu tư.

Tuyến cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam làm chủ đầu tư, dài 55 km, được đưa vào khai thác từ tháng 2/2015, hiện đã có dấu hiệu mãn tải. Nguy cơ ùn tắc giao thông trên tuyến đường này sẽ còn trầm trọng hơn sau khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành được đưa vào khai thác vào năm 2025.

Đọc thêm công ty thiết kế kiến trúc nhà xinh nhaxinhcenter

Theo Đầu tư

Thursday, June 25, 2020

Đầu tư tiền tỷ thuê nhà trên giấy ở khu trung tâm

Đầu tư tiền tỷ thuê nhà trên giấy ở khu trung tâm


TP HCM - Vì thích có nhà ở quận 1 nhưng giá đắt đỏ, anh Hà sẵn sàng đầu tư 1,8 tỷ đồng để thuê căn hộ "trên giấy" với thời hạn 50 năm.

Anh Hà cho biết, trước giờ rất thích có nhà ở quận 1 nhưng giá "đất vàng" ở đây đắt đỏ, không với tới được. Vì vậy, khi được môi giới chào hàng căn hộ dịch vụ tại phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP HCM với giá 1,8 tỷ đồng, anh nhanh tay xuống tiền giữ chỗ 50 triệu đồng. Đồng thời, anh háo hức chuẩn bị 15% dòng tiền để đóng thời gian tới dù tài sản này chỉ ký hợp đồng thuê (không phải hợp đồng mua bán).

Anh Hà cho hay, theo thông báo từ môi giới, sau khi đóng đủ 15% giá trị căn nhà, khách hàng được ký hợp đồng thuê 50 năm. Khi xong móng, hầm anh đóng tiếp 15%. Sau đó, anh sẽ nộp 8 đợt với dòng tiền chi trả 5% mỗi tháng. Khi công trình hoàn thiện phần thô, khách đóng thêm 15% nữa và lúc bàn giao nhà đóng tiếp 15% số tiền còn lại. Hiện công trình này có giấy phép xây dựng được cấp từ vài năm trước và dấu mộc công chứng thể hiện ngày 10/5/2018.

Thị trường bất động sản tại trung tâm TP HCM. Ảnh:Vũ Lê.

Theo nhẩm tính của anh Hà, đầu tư 1,8 tỷ đồng vào căn hộ tại quận 1, dù chỉ được thuê 50 năm, nhưng nếu chia đều cho tổng thời gian này, số tiền thuê hàng tháng chỉ vào khoảng 3,6 triệu đồng. Đây là mức giá thuê rẻ đối với một căn hộ mới, khang trang ở giữa khu trung tâm quận 1 và vì lý do này, anh Hà hào hứng đầu tư. Tuy nhiên, do còn bỡ ngỡ với mô hình thuê nhà trên giấy, anh Hà băn khoăn liệu có rủi ro gì trong suất đầu tư này hay không?


Môi giới chào hàng căn hộ dịch vụ cho thuê giá 1,8 tỷ đồng tại quận 1, TP HCM. Ảnh chụp màn hình.

Có 10 năm tư vấn và nghiên cứu pháp lý nhà đất tại TP HCM, chuyên gia Nguyễn Tấn Phong đánh giá, hợp đồng thuê nhà dài hạn trả tiền một lần không phải là mới và từng được giới đầu tư kinh doanh áp dụng phổ biến đối với nhà phố có thể khai thác và ở ngay. Tuy nhiên, đối với một công trình đang chờ giấy phép thì cần cân nhắc khá nhiều khía cạnh.

Thứ nhất, đây là hình thức cho thuê nhà trên giấy, tức là khi nhà chưa có đã trả tiền thuê, cộng thêm công trình căn hộ dịch vụ hay chung cư mini là loại tài sản phức tạp về pháp lý. Do đó, việc xuống tiền trước có thể dẫn đến rủi ro về dòng tiền cho khách hàng.

Thứ hai, công trình này có giấy phép xây dựng hết hạn, cần phải chờ được cấp giấy phép mới để đảm bảo điều kiện thi công. Để an toàn, khách hàng chỉ nên ký hợp đồng thuê khi có giấy phép xây dựng mới và xác định được ngày thi công.

Thứ ba, nên đàm phán dòng tiền phải chi trả tương ứng với tiến độ công trình để không phải chi tiền trước và ngồi đợi nhà xây. Nếu đóng tiền đến đâu thấy công trình xây đến đó thì khách hàng mới có thể an tâm tính đến khâu về đích. Ở trường hợp này, tiến độ đóng tiền 5% mỗi tháng chiếm đến 40% giá trị hợp đồng nhưng môi giới chào hàng chưa thể hiện số tầng xây là bao nhiêu.

Thứ tư, cân nhắc tính pháp lý của hợp đồng thuê 50 năm, cần thương thảo thêm các điều kiện bất khả kháng, những tình huống giải quyết nếu xảy ra tranh chấp sao cho quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên chủ tài sản và khách thuê được cân bằng.

Theo ông Phong, nếu khách thuê tài sản này chỉ tính đến khoản lợi được thuê nhà trung tâm giá siêu rẻ (khoảng 3,6 triệu đồng một tháng từ việc chia đều cho 50 năm) trong khi giá thuê thực tế phải lên đến chục triệu đồng thì đây là bài toán sinh lời một chiều. Trên thực tế, khách thuê cũng cần cân nhắc đến việc công trình chậm giao, khi đó, thời gian thuê sẽ bị rút ngắn dần trong khi cơ hội khai thác chưa thành hiện thực.

Mặt khác, với số tiền 1,8 tỷ đồng gửi tiết kiệm ngân hàng, chắc chắn hàng tháng khách hàng có thể thu về khoản tiền cao hơn mức 3,6 triệu đồng và không bị rủi ro chi phí cơ hội vì bất cứ khi nào cần tiền để đầu tư đều có thể rút về. Khi tính toán một suất đầu tư, đa phần mốc tham chiếu được đem ra so sánh là tỷ suất sinh lời phải cao hơn lãi suất ngân hàng và cân nhắc phương án ít rủi ro nhất.

"An toàn trước tiên, sau đó mới đến sinh lời vì nếu rủi ro mất vốn, nhà đầu tư xem như trả học phí quá đắt", chuyên gia này khuyến cáo.

Đọc thêm công ty thiết kế kiến trúc nhaxinhcenter

Theo vnexpress

Monday, June 22, 2020

Bí thư Nhân: Cần công bố quy hoạch khu lấn biển Cần Giờ cho người dân

Bí thư Nhân: Cần công bố quy hoạch khu lấn biển Cần Giờ cho người dân


Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề nghị huyện Cần Giờ công bố quy hoạch và lộ trình triển khai để người dân biết chắc chắn dự án này sẽ được thực hiện.

Chiều 22/6, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chủ trì buổi tiếp xúc cử tri huyện Cần Giờ sau kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV. Một trong những vấn đề được các cử tri tại địa phương đặc biệt quan tâm là dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.

Đa số cử tri đều đánh giá cao dự án và nhận định nếu thành công, dự án sẽ tạo ra sự phát triển kinh tế xã hội đáng kể cho huyện Cần Giờ.

Tuy nhiên, một cử tri cho rằng do đây là dự án lấn biển quy mô lớn nhất nước, nằm ngoài khả năng quản lý của chính quyền địa phương, vì vậy cần tăng cường giám sát, đánh giá tác động của dự án trên các phương diện môi trường, an ninh quốc phòng và hiệu quả phát triển kinh tế.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân trong buổi tiếp xúc cử tri huyện Cần Giờ chiều 22/6. Ảnh: Quang Huy.

Trước ý kiến của các cử tri, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết vừa rồi Thủ tướng đã duyệt đề án mở rộng dự án. Từ đó, ông đề nghị lãnh đạo huyện Cần Giờ phối hợp với UBND TP công bố quy hoạch để người dân biết chắc chắn dự án này sẽ được thực hiện và đưa ra các lộ trình triển khai tiếp theo.

“Trong dự án này, ngay từ đầu đã xác định tuyến đường giao thông từ trung tâm TP về Cần Giờ đi qua rừng Sác sẽ được nâng cấp lại để không ảnh hưởng đến môi trường và cũng dự kiến làm một tuyến đường tránh rừng...”, ông Nhân nói thêm.

Nói về dự án, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Lê Minh Dũng cho biết về tiến độ, dự án đã được triển khai từ tháng 11/2007 với quy mô 821 ha, sau đó được rà soát và điều chỉnh quy hoạch, mở rộng lên đến 2.870 ha.

Trong thời gian tới, ông Dũng cho biết huyện sẽ phối hợp với chủ đầu tư để triển khai các bước tiếp theo của dự án theo kế hoạch và đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, Chủ tịch UBND huyện khẳng định sẽ có các bước báo cáo tác động môi trường và phương án hỗ trợ việc làm cho người dân.

Mới đây, dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, còn có tên gọi Saigon Sunbay đã được Chính phủ phê duyệt điều chỉnh mở rộng quy mô lên 2.870 ha với tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh là 217.054 tỷ đồng, do Công ty CP Đô thị Du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư.

Đọc thêm công ty thiết kế nhà xinh nhaxinhcenter

Theo Zing

Tuesday, June 16, 2020

Bất động sản công nghiệp sẽ hút khách châu Âu

Bất động sản công nghiệp sẽ hút khách châu Âu


Bên cạnh làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc, Việt Nam có thể đón thêm các nhà sản xuất từ châu Âu nhờ Hiệp định Thương mại tự do sắp có hiệu lực.

Theo báo cáo mới nhất của CBRE Việt Nam về tương lai của thị trường bất động sản công nghiệp, các công ty châu Âu có thể đổ bộ tìm thuê nhà xưởng tại Việt Nam khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) dự kiến có hiệu lực kể từ đầu tháng 8/2020.

Ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn & Giao dịch - Dịch vụ Bất động sản công nghiệp CBRE Việt Nam đánh giá, hiệp định thương mại này sẽ góp phần rất lớn đến bức tranh kinh tế của Việt Nam, đồng thời tạo động lực hồi phục sau đại dịch. Đặc biệt, những thành quả trong công tác phòng chống dịch thời gian qua sẽ giúp Việt Nam tiếp tục đón làn sóng dịch chuyển của các công ty sản xuất từ Trung Quốc sang.

Ngoài ra, ông Hiếu cho biết, trước đây yêu cầu thuê từ các công ty châu Âu còn hạn chế, tuy nhiên, nhu cầu thuê bất động sản công nghiệp từ các công ty này sẽ tăng lên trong thời gian tới, chủ yếu đến từ các nhóm ngành: máy móc & thiết bị (phụ tùng/linh kiện ôtô), thiết bị điện tử và may mặc.

Khu công nghiệp Sóng Thần, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Lê Tiên.

Các ngành nghề liên quan đến phụ tùng hoặc linh kiện ôtô sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA. Khảo sát thực tế cho thấy, các nhà cung ứng cấp một đang mở rộng nhanh chóng tại thị trường Việt Nam, điển hình như Bosche, Schaeffler, Mitsubishi Motors, Yazaki, Daimler... Hơn nữa, Việt Nam là đất nước có dân số lớn thứ 3 trong khối ASEAN với 96 triệu dân. GDP trên đầu người tại Việt Nam đạt trung bình 3.500 USD trong năm 2019, vượt qua tiêu chuẩn 3.000 USD của một người có thể sở hữu xe ôtô (theo Thời báo Nikkei).

Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam được kỳ vọng sẽ hoạt động tốt trong những năm tiếp theo nhờ vào sự hạn chế nguồn cung (đất, nhà xưởng xây sẵn và nhà kho) trong bối cảnh nhu cầu từ các công ty lắp ráp, phụ tùng và mua bán ôtô tăng nhanh.

Hiện các cụm công nghiệp nằm gần cảng hoặc gần cụm sản xuất ôtô rục rịch thu hút nhiều nhà đầu tư mới. Các tỉnh phía Bắc như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Phòng và Hải Dương được dự kiến sẽ trở thành tâm điểm đầu tư trong tương lai. Các tỉnh phía Nam như Long An và TP Vũng Tàu với lợi thế thuận tiện di chuyển đến cảng Hiệp Phước và Cái Mép cũng hứa hẹn có nhiều tiềm năng phát triển cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, theo CBRE cơ hội được mở ra cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Việc chuyển dịch sản xuất vào Việt Nam một cách đột ngột sẽ có thể dẫn đến việc tắc nghẽn do thị trường đang rất khan hiếm nguồn cung. Các nhà đầu tư cũng sẽ không có đủ thời gian để cung cấp ra thị trường các sản phẩm phục vụ công nghiệp có chất lượng do công tác này tốn khá nhiều thời gian, đặc biệt là về các thủ tục pháp lý.

Thêm vào đó, việc thiếu nguồn nhân lực tạm thời và hệ thống cơ sở hạ tầng còn hạn chế sẽ là những rào cản của Việt Nam đến triển vọng tăng tưởng của thị trường bất động sản công nghiệp trong ngắn hạn.

Đối mặt với các thách thức trên, CBRE cho rằng nhà đầu tư đã có sẵn quỹ đất sạch nên tăng tốc trong việc xây dựng nhà xưởng để chuẩn bị cho những cơ hội mở rộng mới. Ngoài ra, các nhà đầu tư mới vào hoặc đang quan tâm đến thị trường cần phải chủ động ngay để nắm bắt những cơ hội phát triển hiếm có này. Chính phủ cũng nên tìm ra những biện pháp phù hợp để giải quyết những bất cập trên nhằm đảm bảo việc tối đa hóa lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước từ hiệp định tự do thương mại này.

Đọc thêm công ty thiết kế kiến trúc nhà xinh

Theo vnexpress