Thursday, April 23, 2020

Đất nền tỉnh lẻ: Thanh khoản giảm, giá bán đi ngang

Đất nền tỉnh lẻ: Thanh khoản giảm, giá bán đi ngang


Đất nền tỉnh lẻ giáp ranh TP.HCM đã ghi nhận sự sụt giảm cả về giao dịch và giá, còn tại phía Bắc các thị trường vệ tinh giáp ranh Hà Nội giá vẫn đi ngang.

Những năm gần đây, sức nóng của bất động sản phía Bắc không chỉ tập trung ở thị trường Hà Nội mà còn lan rộng ra các thị trường vệ tinh giáp ranh thủ đô. Dữ liệu của Batdongsan.com.vn công bố vào năm 2019 cho thấy từ tháng 1/2015 đến tháng 12/2018, lượng tin đăng rao bán bất động sản tại các tỉnh thành phía Bắc tăng trưởng 20 lần. Tâm điểm của sự tăng trưởng lượng tin đăng này có thể kể đến là các tỉnh thành Bắc Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang…

Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 khiến phân khúc đất nền, đất thổ cư tại những thị trường này đang giảm mạnh thanh khoản nhưng giá vẫn đi ngang, chưa có dấu hiệu quay đầu giảm.

Đơn cử, kết quả khảo sát thực tế của PV tại thị trường Bắc Ninh cho thấy, những vị trí đắc địa của khu vực thành phố vẫn giữ nguyên mức giá chào bán thời điểm cuối năm 2019. Nhà riêng mặt tiền đường Ngọc Hân Công Chúa được rao bán từ 80-95 triệu đồng/m2, đất tại Khả Lễ, Bồ Sơn có mặt tiền kinh doanh đường Bình Than giá rao bán là 40-50 triệu đồng/m2. Đất vị trí đẹp tại Ninh Xá vẫn giữ nguyên mức giá chào bán là 35-45 triệu đồng/m2.

Hay tại huyện Yên Phong (Bắc Ninh) – huyện có diện tích lớn nhất tỉnh, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp quy mô lớn với sự hiện diện của các doanh nghiệp tên tuổi trong và ngoài nước như Samsung, Viglacera, Orion, Vinamilk, Dongsi, Dawon Vina, Mobase, Hansol, Ottogi, KCC… giá đất nền dự án đang đi ngang, chưa giảm so với cuối năm 2019. Tam Đa New Center giá rao bán trung bình vẫn dao động từ 12-15 triệu đồng/m2, Long Châu Riverside hiện vẫn được rao bán phổ biến từ 15-18 triệu đồng/m2, đất nền Yên Trung – Thụy Hòa vẫn được rao bán từ 12 triệu đồng/m2…

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tại phía Bắc các thị trường vệ tinh giáp ranh Hà Nội chỉ mới ghi nhận thanh khoản giảm, giá vẫn đi ngang. Ảnh: Duy Bách

Tại Hưng Yên, đất tại đường Lương Định Của, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng thuộc phường An Tảo vẫn giữ nguyên mức giá của năm ngoái, từ 19-26 triệu đồng/m2. Đất mặt đường Huỳnh Thúc Kháng (phường Lam Sơn) được rao bán từ 23-25 triệu đồng/m2. Đất tại đường An Vũ, Nguyễn Biểu, Nguyễn Văn Linh (phường Hiến Nam), giá chào bán dao động từ 20-28 triệu đồng/m2…

Đất dự án Hưng Yên cũng không có biến động giá theo hướng tăng hoặc giảm từ khi dịch bệnh bùng phát. Phố Nối Sunshine có giá bán không thay đổi so với năm ngoái, những nền đẹp dao động phổ biến từ 15-18 triệu đồng/m2, từ 20-26 triệu đồng/m2 với lô góc, đắc địa; dự án khu đô thị Lạc Hồng Phúc có giá bán từ 8-12 triệu đồng/m2, giá trung bình của New City Phố Nối vẫn là 10-13 triệu đồng/m2…

Tại Bắc Giang, dòng căn hộ cao cấp hướng tới đối tượng chuyên gia làm việc tại các khu công nghiệp như Green City, Aqua Park, Saigontel, Dreamtown vẫn được chào giá dao động từ 12-18 triệu đồng/m2. Đất nền khu vực thành phố Bắc Giang với hàng loạt dự án như Đồng Cửa, Bách Việt Lake Garden, khu đô thị Cầu Gồ, Kosy Bắc Giang… giá vẫn giữ nguyên, dao động từ 10-22 triệu đồng/m2… Mức giá của thời điểm này không tăng và cũng không bị sụt giảm so với quý 4/2019. 

Dịch bệnh Covid-19 khiến thị trường bất động sản cả nước đang rơi vào giai đoạn trầm lắng nhất trong 5 năm trở lại đây, các thị trường tỉnh lẻ không là ngoại lệ. Một nhà đầu tư Hà Nội chuyên “chinh chiến” các thị trường tỉnh là ông N.V.Đáng cho biết trong hoàn cảnh dịch bệnh thì những thị trường lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang… sẽ chịu tác động trước tiên do tốc độ phát triển và dòng tiền đầu tư, đầu cơ tập trung chính ở đây, kế đến mới là các thị trường tỉnh.

Ở thời điểm hiện tại, các thị trường tỉnh lẻ mới chứng kiến thanh khoản sụt giảm mạnh do người mua ở thực và dân đầu tư có tâm lý e ngại việc tụ tập đông người để đi xem đất. Tuy nhiên, giá đất tại đây vẫn đang đi ngang. Theo nhà đầu tư này, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài trong những tháng tới, gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế, thu nhập người dân thì khả năng cao giá đất tại thị trường tỉnh sẽ bắt đầu giảm. 

Đọc thêm về công ty thiết kế nội thất https://nhaxinhcenter.com.vn/gioi-thieu.html

Theo ThanhnienViet

Wednesday, April 22, 2020

Bất động sản nghỉ dưỡng tụt dốc thê thảm, đại gia chết đắng bên bờ biển

Bất động sản nghỉ dưỡng tụt dốc thê thảm, đại gia chết đắng bên bờ biển


- Theo DKRA Việt Nam, quý I, lượng giao dịch condotel và biệt thự biển đồng loạt giảm mạnh trên 90% so với cuối năm 2019 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

DKRA Việt Nam vừa công bố báo cáo diễn biến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng 3 tháng đầu năm 2020. Thống kê từ DKRA Việt Nam cho thấy, lượng tiêu thụ cả condotel và biệt thự biển đều tụt dốc thê thảm.

Khảo sát của đơn vị này cho thấy thị trường biệt thự biển trong quý I chỉ có nguồn cung mới khoảng 16 căn, bằng 3% so với quý trước và bằng 8,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ tiêu thụ nguồn cung mới đạt 4 căn, chỉ bằng 1,6% lượng tiêu thụ so với quý trước. Nguồn cung và lượng tiêu thụ chỉ đến từ một dự án tại Phú Quốc.

Trong cả 3 tháng đầu năm 2020, mức tiêu thụ condotel chỉ đạt 25 căn, giảm hơn 95% so với quý trước, thậm chí giảm đến 98% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng theo đơn vị này, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các chủ đầu tư không tổ chức hoạt động truyền thông, bán hàng. Vì vậy nguồn cung sơ cấp khiêm tốn trên thị trường hiện nay chủ yếu đến từ những dự án đã được mở bán trước đó. Song hầu hết dự án này tiêu thụ rất chậm.

Ở phân khúc condotel, quý I chỉ ghi nhận một dự án mới được mở bán trước Tết Nguyên đán (tháng 1/2020), cung ứng ra thị trường 82 căn condotel, bằng 3,9% so với quý trước và bằng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019. Mức tiêu thụ đạt 25 căn, giảm hơn 95% so với quý trước, thậm chí giảm đến 98% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn cung sơ cấp và lượng tiêu thụ tập trung ở các thị trường quen thuộc đã mở bán trước đó như Khánh Hòa, Bình Thuận... Tuy nhiên, sức cầu chung tiếp tục suy giảm từ năm 2019 kéo dài đến quý đầu năm 2020 và mãi lực chỉ ghi nhận ở mức rất thấp.

Theo dự báo của Công ty DKRA Việt Nam, trong quý II thị trường vẫn không có nhiều cửa sáng. Ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, nguồn cung mới biệt thự biển và condotel có thể sẽ lên đến khoảng 200 - 300 căn đối với biệt thự biển và khoảng 600 - 800 căn đối với condotel. Các dự án đa phần vẫn tập trung ở những thị trường quen thuộc như Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Quốc, Bà Rịa-Vũng Tàu và Đà Nẵng. Trong khi đó, sức cầu chung tiếp tục xu hướng giảm từ cuối quý I và duy trì ở mức rất thấp trong quý II.

Đọc thêm nhà cấp 4 mái thái https://nhaxinhcenter.com.vn/tin-tuc/mau-nha-cap-4-mai-thai.html

Theo vietnamnet

Sunday, April 19, 2020

Đề xuất giảm lãi, giãn nộp tiền trả góp cho người vay mua nhà

Đề xuất giảm lãi, giãn nộp tiền trả góp cho người vay mua nhà


HoREA vừa có văn bản đề xuất giảm lãi vay, giãn tiến độ trả góp cho người vay mua nhà vượt qua khó khăn do dịch Covid-19.

Cụ thể, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc cho người mua nhà ở thương mại.

Đồng thời, các ngân hàng xem xét cho doanh nghiệp bất động sản tái cơ cấu nợ, giảm khoảng 30% lãi vay trong thời hạn 12 tháng, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc và không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn.

Bên cạnh đó, nhằm mục đích phục hồi và tăng trưởng thị trường bất động sản một cách bền vững sau dịch Covid-19, HoREA kiến nghị Chính phủ tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế pháp luật - hành chính và kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch.

HoREA kiến nghị giảm lãi, giãn nợ cho doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà. Ảnh: Quỳnh Danh.

Theo HoREA, trong quý I, cả nước có khoảng 53.000 sản phẩm bất động sản được chào bán, nhưng tỷ lệ tiêu thụ chỉ đạt khoảng 14%, thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Giao dịch mua bán nhà sụt giảm khoảng 70%.

HoREA nhận định thị trường bất động sản quý I trầm lắng, trong tháng 3 và nửa đầu tháng 4 gần như đóng băng, giao dịch mua bán nhà sụt giảm khoảng 70%; doanh thu sụt giảm trên dưới 80% dẫn đến tình trạng thiếu hụt tiền mặt và thanh khoản.

Tỷ lệ người mua nhà gặp khó khăn về tài chính do bị giảm thu nhập, không trả được lãi vay ngân hàng, nên phải xin thanh lý hợp đồng mua nhà chiếm trên dưới 10%. Điều này càng tạo thêm áp lực lớn đối với các doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp phải duy trì lực lượng lao động.

Trong khi đó, theo ghi nhận của HoREA, hầu như các doanh nghiệp bất động sản và người vay mua nhà chưa thể đàm phán với ngân hàng về tái cơ cấu nợ, giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi, trả nợ gốc.

Đọc thêm về https://nhaxinhcenter.com.vn/tin-tuc/thiet-ke-nha-pho-tan-co-dien.html

Theo Zing

Monday, April 13, 2020

Vì sao thị trường bất động sản năm 2020 sẽ không rơi vào khủng hoảng, bán tháo, cắt lỗ ồ ạt giống giai đoạn 2010?

Vì sao thị trường bất động sản năm 2020 sẽ không rơi vào khủng hoảng, bán tháo, cắt lỗ ồ ạt giống giai đoạn 2010?


Thị trường BĐS đang bị tác động mạnh mẽ bởi dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, nếu dịch bệnh tiếp tục tiếp diễn, cũng sẽ không có hiện tượng bán tháo, cắt lỗ ồ ạt trên thị trường.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Bà Dương Thùy Dung - Giám đốc cấp cao của CBRE cho biết về bản chất nguyên nhân gây ra sự trầm lắng trên thị trường BĐS năm 2020 hoàn toàn khác với năm 2010. Chính vì vậy, diễn biến thị trường tuy có sự trầm lắng nhưng sẽ không đổ vỡ giống nhau.

"Nếu như thời điểm 2010, thị trường khủng hoảng do nguồn cung - cầu nội tại trên thị trường bị lệnh nhau, dẫn đến BĐS phải giảm giá mạnh thì hiện nay, bối cảnh năm 2020 hoàn toàn khác, thị trường bị tác động bởi yếu tố bên ngoài là dịch bệnh. Chính vì vậy thị trường đang bị kìm hãm và một khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường sẽ trên đà hồi phục trở lại.


Đây cũng là nguyên nhân khiến giá BĐS sẽ khó có thể tiếp tục giảm sâu kể cả trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài đến tận cuối năm bởi về bản chất nguồn cung trên thị trường vẫn rất khan hiếm, nguồn cầu vẫn cao. Một khi dịch bệnh đi qua, cung cầu gặp nhau thị trường sẽ phục hồi nhanh, đặc biệt ở những phân khúc có tính sử dụng ngay như phân khúc căn hộ chung cư", bà Dung nhận định.

Vậy hiện tại đã là điểm đáy của thị trường hay chưa? - Trả lời câu hỏi này bà Dung cho biết trên thực tế, ngay cả thời điểm hiện tại nhiều chủ đầu tư đã có những chính sách bán hàng rất tốt, cạnh tranh trên thị trường, đây là những ưu điểm cho nhà đầu tư mua nhà trên thị trường hiện nay.

Đánh giá về mức độ giảm giá trên thị trường hiện nay, bà Dung nhấn mạnh giả sử nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý 2 thì giá sẽ không có nhiều thay đổi. Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài đến cuối quý 3, thị trường sẽ ghi nhận mức giá khoảng 6% trên thị trường sơ cấp.

Cùng quan điểm với bà Dung, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng khẳng định hiện nay thị trường BĐS như một chiếc lò xo bị nén và chỉ chờ thời điểm hết dịch sẽ bật lên mạnh mẽ.

"Tâm lý khách hàng và cả nhà đầu tư đang bị trùng xuống do ảnh hưởng tâm lý từ dịch bệnh. Một khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường sẽ cùng lúc đón nguồn cầu mạnh mẽ cả khách hàng lẫn nhà đầu tư".

"Sau dịch bệnh kết thúc sẽ có làn sóng đầu tư BĐS mới từ Kiều bào khi lượng người về Việt Nam tránh dịch ngày càng tăng. Nguồn lực gần 5 triệu Kiều bào cực kỳ to lớn đối với thị trường BĐS. Chúng ta có thể thấy lượng tiền kiều hối 1 năm Kiều bào gửi về nước theo đường chính thức khoảng 15 tỷ USD, con đường không chính thức cũng tương đương con số này", ông Châu khẳng định.

Bên cạnh đó, ông Châu cũng cho rằng, nếu Việt Nam tiếp tục kiểm soát dịch tốt như hiện nay và vượt qua dịch bệnh sẽ là điểm sáng an toàn dịch tễ lẫn kinh tế, chính trị thu hút các người nước ngoài đến đầu tư, sinh sống và làm việc. Đây sẽ là nguồn cầu cực kỳ lớn cho thị trường BĐS trong thời gian sắp tới.

"Nhiều khả năng thị trường BĐS sẽ có những cú bật dậy mạnh mẽ như thị trường chứng khoán trong vài phiên giao dịch gần đây. Nhà đầu tư đứng ngoài chờ cơ hội rất nhiều, dòng tiền chờ đợi cũng rất lớn, và họ đang chờ thời điểm để tham gia", một nhà đầu tư bất động sản lâu năm trên thị trường cho biết.

Cũng theo góc nhìn từ nhà đầu tư này, thị trường khó khăn sẽ có những nhà đầu tư thứ cấp cắt lỗ, bán tháo sản phẩm. Tuy nhiên, đây là những trường hợp riêng rẽ, nhỏ lẻ không đại diện cho toàn thị trường. Về bản chất, sẽ khó hình thành nên làn sóng giảm giá, cắt lỗ ồ ạt.

Đọc thêm về thiết kế biệt thự pháp https://nhaxinhcenter.com.vn/tin-tuc/thiet-ke-biet-thu-phap-dep-nhat-viet-nam.html

Theo ttvn.toquoc

Tuesday, April 7, 2020

50% sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa

50% sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa


Thị trường ngưng trệ, người mua cân nhắc xuống tiền, khiến các sàn môi giới bất động sản chịu ảnh hưởng nặng, nhiều nơi phải đóng cửa.

Theo báo cáo mới đây của Hội môi giới bất động sản Việt Nam, 100% các sàn giao dịch và cá nhân môi giới trên thị trường đều chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh. Thị trường thiếu nguồn hàng để bán, khách hàng dè chừng, thiếu quan tâm đến thị trường, các nhà đầu tư cũng lo lắng tìm cách chống dịch.

Ghi nhận từ nhiều tỉnh thành, khoảng 50% số sàn giao dịch phải đóng cửa cùng với hiện tượng nhiều nhân viên môi giới bất động sản thất nghiệp, phải đổ xô đi tìm việc mới.

Đặc biệt, đầu năm thị trường có hiện tượng một số nhóm đầu cơ lợi dụng thông tin về việc đầu tư phát triển dự án của các tập đoàn để đẩy giá, tạo sự hỗn loạn trong thị trường nhằm trục lợi. Tiêu biểu là trường hợp ở huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu), ở Thạch Thất (Hà Nội)...

Đầu năm 2020 có hiện tượng một số nhóm đầu cơ lợi dụng thông tin đầu tư của doanh nghiệp lớn để đẩy giá, gây hỗn loạn thị trường. Ảnh: Việt Linh.

Trong tình hình dịch bệnh kéo dài, hội kiến nghị các sàn giao dịch nên tận dụng thời gian để nâng cấp nền tảng công nghệ, tăng hiệu quả kinh doanh, đồng thời cấu trúc lại bộ máy hoạt động nhằm giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh.

Bên cạnh đó có những biện pháp hỗ trợ nhân viên trong thời điểm khó khăn và nâng cao chất lượng chuyên môn.

Đặc biệt, để thị trường bất động sản sau dịch bệnh sớm ổn định và phát triển bền vững, hội đề nghị các sàn giao dịch kiên quyết không vì lợi ích cá nhân mà tiếp tay cho các dự án ma, dự án không phù hợp quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến uy tín thị trường.

Hiện tại, các sàn giao dịch nhóm căn hộ bình dân vẫn hoạt động ở mức cầm chừng, nhiều nhà đầu tư phải cắt giảm tối đa chi phí để duy trì hoạt động bán hàng.

Các hoạt động quảng bá, mở bán, tư vấn khách hàng được tạm dừng trong thời gian dịch bệnh khiến giới môi giới cân nhắc đẩy mạnh phương thức rao bán trên các sàn giao dịch bất động sản trực tuyến để tiết kiệm chi phí, tiếp cận nhiều người mua trong thời điểm hạn chế tiếp xúc.

Đọc thêm về giá đất https://nhaxinhcenter.com.vn/tin-tuc/bang-gia-dat-2020-tp-hcm-do-ubnd-tphcm-cong-bo.html

Theo Zing

Sunday, April 5, 2020

Thuận lợi và khó khăn của thị trường bất động sản đầu năm

Thuận lợi và khó khăn của thị trường bất động sản đầu năm


Thị trường bất động sản 3 tháng đầu năm tuy có nhiều khó khăn nhưng cũng nhận được nhiều biện pháp hỗ trợ để phát triển ổn định.

Theo đánh giá của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thị trường quý I trong giai đoạn vô cùng trầm lắng so với cùng kỳ hàng năm. Lượng nguồn cung, giao dịch, tỷ lệ hấp thụ ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.

Tình trạng này là do các văn bản nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển bất động sản chưa được đưa vào áp dụng triệt để, khiến nguồn cung ra thị trường tiếp tục khan hiếm.

Cùng với đó, thông tư số 22/2019/TT-NHNN có hiệu lực kể từ 1/1 đã kiểm soát chặt tín dụng vào lĩnh vực bất động sản theo hướng thắt chặt nguồn tín dụng, giảm hạn mức cho vay đối với các dự án ở phân khúc cao cấp và một số chủ đầu tư có nhu cầu vay mức lớn cho nhiều dự án.

Thị trường bất động sản đầu năm gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Ảnh: Quỳnh Danh.

Ba tháng đầu năm cũng chịu tác động từ đợi nghỉ Tết Canh Tý cộng với tình hình dịch bệnh liên tục diễn biến phức tạp, người dân được khuyến cáo hạn chế đi lại, gặp gỡ, tụ tập đông người, tạm ngưng cấp visa cho người nước ngoài vào Việt Nam, dẫn đến hiện tượng "ngủ đông" của hầu hết hoạt động trên thị trường.

Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố thuận lợi giúp các nhà đầu tư có niềm tin vào thị trường.

Nghị định số 25/2020/NĐ-CP đã tháo gỡ một phần các vướng mắc của Luật trong thủ tục dành cho phát triển dự án bất động sản tại các địa phương. Theo đó, việc giao đất cho nhà đầu tư trúng thầu sẽ được triển khai ngay sau khi hoàn thành bồi thường, hỗ trợ tái định cư khu đất khi thực hiện dự án.

Thông tư số 21/2019-TT-XD về quy chuẩn quốc gia về nhà chung cư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 tới đây. Theo đó, diện tích sử dụng tối thiểu của căn hộ chung cư không nhỏ hơn 25 m2 đối với dự án nhà ở thương mại.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chính thức có văn bản hướng đẫn về việc sử dụng đất và cấp sổ cho công trình xây dựng không phải nhà ở như condotel, officetel, hometel...

Đặc biệt, ngay khi dịch bệnh bùng phát, Nhà nước đã có một số chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh thiệt hại từ dịch bệnh.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch bệnh.

Tổng cục Thuế cũng đã có chỉ đạo gia hạn nộp thuế, miễn thuế đối với doanh nghiệp bị thiệt hại do dich.

Thủ tướng cũng yêu Bộ Tài chính rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền về thuế và chi ngân sách nhà nước để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh.

Tính đến hết quý I, mặc dù thị trường trầm lắng song giá bán không có dấu hiệu sụt giảm do với quý IV/2019 và chưa có doanh nghiệp công bố chính sách giảm giá bán.

Đọc thêm https://nhaxinhcenter.com.vn/tin-tuc/bang-gia-dat-2020-tp-hcm-do-ubnd-tphcm-cong-bo.html

Theo Zing

Wednesday, April 1, 2020

Bắt mạch bất động sản giữa đại dịch, nhà đầu tư ‘bẻ lái’ dòng tiền

Bắt mạch bất động sản giữa đại dịch, nhà đầu tư ‘bẻ lái’ dòng tiền


Do tác động của Covid-19 nhiều áp lực, thách thức khiến thị trường bất động sản giảm tốc nhưng chuyên gia cũng cho rằng bất động sản vẫn được coi là một trong những kênh cất giữ tài sản tương đối an toàn trong trường hợp khủng hoảng kinh tế.

Nhận diện áp lực, thách thức

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ Chính phủ và các bộ ngành liên quan đề xuất một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản (BĐS) ứng phó và vượt qua khó khăn trước thách thức của đại dịch Covid-19. Trong đó, HoREA chỉ ra nhiều áp lực và thách thức khiến thị trường giảm tốc mà các doanh nghiệp bất động sản đã và đang phải đối mặt trong năm nay.

Theo hiệp hội, dịch bệnh làm gián đoạn, đảo lộn các mặt hoạt động của doanh nghiệp BĐS nhất là công tác tiếp thị quảng bá sản phẩm và bán hàng đều là những khâu rất quan trọng trong dây chuyền sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Nhà ở có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thực, vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, nCoV đang làm sụt giảm nghiêm trọng doanh thu, lợi nhuận, thậm chí có thể khiến nhiều doanh nghiệp bị mất thanh khoản về dòng tiền khi tồn kho tăng cao và nợ đọng lớn dần.

Dịch làm tăng chi phí đầu tư, tăng chi phí vốn và lãi vay kéo theo nguy cơ các khoản nợ bị chuyển thành nợ xấu. Chi phí quản lý doanh nghiệp vì vậy cũng bị tăng cao so với doanh thu và lợi nhuận. Các doanh nghiệp BĐS có quy mô càng lớn và càng nhiều lao động sẽ càng gặp nhiều khó khăn làm tăng khả năng doanh nghiệp bị nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương người lao động.

Cũng theo HoREA, dịch bệnh làm tăng nguy cơ thua lỗ, phá sản cho các doanh nghiệp BĐS.

Có thể thấy, thị trường bất động sản đã phải đương đầu với nhiều khó khăn trong 2 năm qua, nay thêm ảnh hưởng của dịch bệnh lại rơi vào tình thế khó chồng khó. Trước nguy cơ phá sản lớn dần, các tập đoàn, doanh nghiệp BĐS cần nỗ lực gấp đôi gấp ba để cầm cự và vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn này.

Đứng trước những khó khăn trên, theo đánh giá của HoREA, tất cả doanh nghiệp BĐS đều bị tác động rõ rệt khi dịch bệnh xuất hiện trong những tháng đầu năm 2020 và nhiều khả năng tiếp tục kéo dài thời gian tới. Các sự kiện đông người như quảng bá tiếp thị bán hàng trên thị trường BĐS đa phần đều bị hủy bỏ hoặc hạn chế.

Vẫn là kênh cất giữ tài sản an toàn

Nhận định về thị trường, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho rằng, dù có nhiều khó khăn thách thức BĐS vẫn được coi là một trong những kênh cất giữ tài sản tương đối an toàn trong trường hợp khủng hoảng kinh tế, nhất là phân khúc thị trường nhà ở có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thực, vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo và phát triển bền vững.

Theo ông Châu, như thực tiễn đã chứng minh qua các cuộc khủng hoảng đóng băng của thị trường bất động sản các năm 2008, 2011, để củng cố niềm tin và tìm kiếm các giải pháp ứng phó hiệu quả trước những tác động rất nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.

Về từng phân khúc trên thị trường, Chủ tịch HoREA đánh giá, thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng (condotel) và thị trường bất động sản cho thuê bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều mặt bằng cho thuê tại khối đế các tòa nhà cao tầng và nhiều mặt bằng nhà phố cho thuê bị trả lại.

Cùng đánh giá trên, trong báo cáo tác động của dịch Covid-19, công ty chứng khoán ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cũng cho rằng ngành bất động sản nghỉ dưỡng chịu nhiều tác động tiêu cực hơn so với các phân khúc còn lại.

Cơ hội thanh lọc thị trường, doanh nghiệp thực hiện “tái cấu trúc doanh nghiệp”, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực…

“Dịch vụ du lịch và lưu trú bị ảnh hưởng trực tiếp, sẽ gián tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu cho thuê bất động sản du lịch và condotel trong ngắn hạn đến nhu cầu cho thuê bất động sản du lịch và condotel, đặc biệt trong đó các tỉnh Nha Trang, Đà Nẵng, Bình Thuận - Ninh Thuận, Hạ Long” - báo cáo cho hay.

Các nhà phân tích của BSC cho rằng các doanh nghiệp triển khai nhiều dự án BĐS nghỉ dưỡng trong ngắn hạn sẽ càng khó khăn hơn trong việc mở bán dự án, ảnh hưởng đến tiến độ thu tiền so với kế hoạch mở bán trước đó.

Còn đối với ngành BĐS thương mại, trong đó đặc biệt phân khúc trung cấp, bình dân, theo BSC, sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ dịch nCoV do nhu cầu thực mua nhà để ở và sinh sống là trong dài hạn.

Tuy nhiên, đơn vị này cũng lưu ý về ảnh hưởng của dòng tiền nước ngoài đối với phân khúc sang trọng và cao cấp.

“Đây là phân khúc có mức độ tăng giá “khá nóng” trong vài năm gần đây. Mặc dù vậy, mức độ ảnh hưởng theo hướng tiêu cực tương đối thấp do tỷ lệ tối đa cho người nước ngoài sở hữu căn hộ chỉ ở mức 30% và nguồn cung trong năm 2020 vẫn còn khá hạn chế do các vấn đề liên quan thủ tục phê duyệt pháp lý dự án” – BSC đánh giá.

Đề xuất gói hỗ trợ

Trước thực trạng khó khăn chung của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực BĐS, vừa qua Chính phủ đã có nhiều động thái tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Mới đây nhất, Bộ Tài chính cũng đã có quyết định gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, Bộ cũng đề xuất tăng gói hỗ trợ cho Covid-19 từ 30.000 tỷ lên 80.000 tỷ đồng… Đây được xem là liều thuốc cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh cho thấy sự ảnh hưởng sâu rộng hơn đối với nền kinh tế và cả BĐS.

Để giúp doanh nghiệp ứng phó kịp thời, trong văn bản đề xuất kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, HoREA kiến nghị Chính phủ bổ sung doanh nghiệp bất động sản là đối tượng được xem xét gia hạn 5 tháng với tiền thuế giá trị gia tăng trong các tháng 3, 4, 5, 6/2020. Hiệp hội cho rằng Chính phủ cũng cần chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho phép doanh nghiệp được gia hạn 5 tháng tiền nợ bảo hiểm xã hội từ tháng 3 đến tháng 6/2020, trong đó có ngành bất động sản.

Về hoạt động tín dụng, HoREA đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho giãn tiến độ trả nợ vay và không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản nợ đến hạn của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, Hiệp hội đề nghị Chính phủ đẩy mạnh tháo gỡ các vướng mắc về quy trình hành chính thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở để tạo điều kiện cho thị trường BĐS giải phóng lượng hàng tồn kho và có cơ hội phục hồi.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí, lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ đang nghiên cứu đề xuất tăng cường bổ sung thêm vốn cho nhà ở xã hội. Nó giống như gói 30.000 tỷ đồng trước đây. Bởi hiện vốn theo luật, nghị định còn dành ít cho nhà ở xã hội. Bộ sẽ đề xuất Ngân hàng chính sách và thương mại được cấp bù lãi suất. Khi nhà ở xã hội phát triển sẽ thúc đẩy thị trường vật liệu xây dựng, nhân công, nội thất và kéo theo nhiều ngành nghề khác liên quan

Đánh giá từ thực tế hiện nay, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho rằng, nhìn nhận một cách tích cực thì đây lại chính là cơ hội để thanh lọc thị trường; là giai đoạn thích hợp để các doanh nghiệp thực hiện “tái cấu trúc doanh nghiệp” theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Đồng thời, tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực, coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người tiêu dùng.

“Các doanh nghiệp cũng có thể linh động chuyển đổi sang các hình thức hoạt động phù hợp, chuyển hướng sử dụng công nghệ thông tin, kinh doanh online vào lĩnh vực BĐS. Như hoạt động bán hàng có thể chuyển sang hình thức online, vừa tránh được lây lan dịch bệnh, vừa bảo đảm cho khách hàng có thể yên tâm giao dịch an toàn. Về mặt tích cực, đây có thể xem như một cuộc sàng lọc giúp thị trường nhà đất trở nên "khỏe mạnh", giữ lại những doanh nghiệp có đủ thực lực” – ông Châu nói.

Xem thêm https://nhaxinhcenter.com.vn/tin-tuc/bang-gia-dat-2020-tp-hcm-do-ubnd-tphcm-cong-bo.html

Theo vietnamnet